Ghi nhận tại nhiều vùng, lúa gần như bị đổ rạp hoàn toàn, ngập nước; một số nơi thân lúa vẫn đứng nhưng tan tác, trên bông chỉ còn hạt xanh và hạt lép.
Chị Lê Thị Thanh, thôn 1 xã Đông Quang (huyện Đông Sơn) than thở: “Làm nông không khác gì đánh bạc với trời. Trước bão, thấy lúa chưa chín hẳn, lại thấy bão đi lên phía Bắc nên lần lữa không muốn gặt. Nhưng ai ngờ đêm trước bão vào thì xảy ra dông lốc rồi mưa lớn làm tung tóe, đổ rạp hết. Bây giờ, máy gặt không thể gặt, tôi phải thuê mấy chị em trong làng xuống moi lúa lên, vớt vát được tí nào hay tí ấy, chứ để lúa ngâm nước một hôm nữa là thối hết”.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, đến sáng ngày 8-9, tỉnh này còn 8.600ha lúa chín từ 80% trở lên chưa thu hoạch. Qua thống kê ban đầu, có hơn 274ha lúa bị gãy đổ, ngập nước; ngoài ra còn hơn 146ha ngô, sắn, lạc, rau… bị thiệt hại.
Sáng 8-9, Sở GTVT Thanh Hóa phối hợp chính quyền địa phương đang khẩn trương xử lý sự cố nứt, sạt lở đường do mưa lớn.
Trên tuyến Quốc lộ 16 đoạn qua xã Phú Thanh (huyện Quan Hóa) xuất hiện vết nứt phía ta luy dương với chiều dài 200m, rộng từ 0,5m-1m, cách mặt đường từ 15-30m. Vết nứt này gây nguy cơ sạt lở rất cao.
Trước tình hình này, Sở GTVT và UBND xã Phú Thanh cùng huyện Quan Hóa đang lên phương án, sẵn sàng sơ tán 12 hộ dân phía ta luy âm ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ngoài ra, trên tuyến Quốc lộ 16 cũng xuất hiện vết nứt ta luy âm với cung trượt dài 35m đoạn qua xã Mường Lý (huyện Mường Lát). Tại xã Trung Lý (huyện Mường Lát) cũng xuất hiện cung sạt trượt trên Quốc lộ 15C với chiều dài 65m.
Đến sáng ngày 8-9, tại Thanh Hóa, ảnh hưởng của bão số 3 làm 1 người bị thương nặng, 133 nhà bị tốc mái và hư hỏng.