Đa số các Bộ, ngành như quân đội, công an, tư pháp, ngoại giao, kế hoạch - đầu tư… đều nhất trí với dự thảo Nghị quyết.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia góp ý, thảo luận sôi nổi xung quanh nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Các đại biểu tập trung làm rõ các cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của dự thảo và đề án. Đồng thời góp ý một số vấn đề liên quan tới thẩm quyền của HĐND quận, phường khi thực hiện đề án và thẩm quyền của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường khi không tổ chức HĐND ở phường và quận.
Trao đổi với các đại biểu tại hội nghị thẩm định để hiểu hơn về mục đích, ý nghĩa của đề án cũng như dự thảo Nghị quyết, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đây là hội nghị rất quan trọng để đánh giá tổng thể đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, nhất là mô hình và cơ sở pháp lý thực hiện; đồng thời giúp TPHCM tiếp tục hoàn thiện đề án trình các cơ quan Trung ương. Đề án chính quyền đô thị được TPHCM ấp ủ năm 2007, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung vào năm 2013, nhưng thời điểm đó chưa đủ các cơ sở pháp lý, nên chưa triển khai được. Hiện nay, trên cơ sở các quy định hiện hành đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho các nội dung trong đề án.
Đặc biệt, vừa qua Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết, đây là tiền đề có ý nghĩa và quan trọng để TPHCM đề xuất với Quốc hội cho phép thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, trong đó nội dung trọng tâm không tổ chức HĐND ở quận, phường; TPHCM xây dựng đề án theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 1-7-2020; trong quá trình xây dựng đề án, TPHCM đã khảo sát, đánh giá nhiều chiều, tiếp thu nhiều ý kiến các cơ quan từ Trung ương tới địa phương, kể cả các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TPHCM, các chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, ngày 25-9, Bộ Nội vụ đã chủ trì hội nghị thẩm định đề án, trong đó 100% đại biểu đồng ý thông qua.
Dự thảo Nghị quyết được bố cục thành 14 điều; trong đó quy định cụ thể về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, đề xuất, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND TPHCM… và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường từ ngày 1-7-2021. Khi đó, UBND quận, phường là cơ quan hành chính nhà nước, làm việc theo chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Bên cạnh mục tiêu tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và hoạt động linh hoạt bộ máy chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững tại TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, Nghị quyết khi được Quốc hội ban hành sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, nâng cao chất lượng hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với tính chất đô thị đặc biệt lớn nhất nước.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong mong muốn các thành viên hội đồng thẩm định góp ý, thảo luận sâu vào nội dung trách nhiệm và thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp khi không tổ chức HĐND quận, phường; cũng như từng nội dung dự thảo Nghị quyết, để Nghị quyết bám sát thực tiễn TPHCM, góp phần tạo điều kiện cho Thành phố phát huy tiềm năng, lợi thế để ngày càng đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước.
Ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ - đơn vị trình đề án và dự thảo Nghị quyết, cho biết về sự cần thiết của đề án này. Theo đó, TPHCM đã có 7 năm thực tiễn triển khai thí điểm chính quyền đô thị không tổ chức HĐND trên tất cả các quận, huyện, phường; cơ sở pháp lý tại khoản 2, Điều 111 Hiến pháp 2013 quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do luật định”; cùng với đó, tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng đã thể hiện tinh thần của Hiến pháp đã nêu: “Chính quyền địa phương ở quận là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND quận, phường trừ trường hợp Quốc hội có quy định khác”. Như vậy, những quy định này đã “mở đường” cho việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM mà không cần thí điểm.
Quá trình xây dựng, ông Phan Văn Hùng cho rằng, TPHCM đã ấp ủ đề án rất lâu: “Đảng bộ và nhân dân TPHCM thấy rằng, thời điểm này là chín muồi để tổ chức chính thức trên các cơ sở pháp lý để TPHCM trình Trung ương cho phép chính thức triển khai không tổ chức HĐND quận, phường trên địa bàn thành phố. Quá trình xây dựng đề án rất công phu, đã lấy ý kiến nhiều cấp, nhiều ngành và kế thừa những đề án trước đây đã xây dựng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan để đóng góp cho nội dung đề án. Hồ sơ đến nay đã hoàn thiện và đưa ra hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp, đủ điều kiện xem xét trình Chính phủ và Quốc hội”.
Mục tiêu thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM: Tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách, đổi mới chính quyền địa phương, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền Thành phố nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thành phố trên các lĩnh vực, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của Thành phố để phát triển bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hình thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao tính minh bạch, năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xây dựng chính quyền điện tử thành đô thị thông minh, nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của Thành phố; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết tốt các cung cầu của người dân, doanh nghiệp, phát huy các hình thức dân chủ trực tiếp, góp phần xây dựng hệ thống chính quyền chính trị vững mạnh…
Quan điểm thực hiện, ông Phan Văn Hùng cho biết, đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM thực hiện trên quan điểm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, các quy định pháp luật, vai trò giám sát các tổ chức xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng chính quyền đô thị thực sự của dân, do dân, vì dân. Ông Hùng cho rằng, xây dựng chính quyền đô thị tại TPHCM phải phù hợp với đối tượng quản lý, yêu cầu và tính chất quản lý của Thành phố là đô thị đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, bảo đảm tập trung, thống nhất, thông suốt.
Trên cơ sở chung của nội dung dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành văn bản liên quan tới tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, nhất trí với nội dung của dự thảo Nghị quyết và bày tỏ quan điểm, ý kiến đây là đề án công phu, tâm huyết của TPHCM. Đa số các Bộ, ngành như quân đội, công an, tư pháp, ngoại giao, kế hoạch – đầu tư… đều nhất trí với dự thảo Nghị quyết.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại các quy định hiện hành về tính đặc thù, phù hợp với các quy định, nếu có đặc thù đề nghị giải trình trong tờ trình. “Để đảm bảo tuân thủ quy định Luật Ban hành văn bản. Đây là văn bản cần ban hành trong thời gian gấp, chúng tôi sẽ xây dựng nhanh và củng cố hồ sơ để Chính phủ thông qua trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn. Các nội dung như quyền hạn của HĐND, UBND sẽ được bổ sung trong văn bản thẩm định”, bà Oanh cho biết.