Lần đầu tiên, một nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng được Chính phủ ban hành thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, sự tiếp cận hệ thống và tầm nhìn dài hạn đến năm 2050. Tư duy, tầm nhìn, cách tiếp cận là quan trọng. Song cách thức tổ chức triển khai, bố trí nguồn lực và bộ máy thực thi để đưa nghị quyết vào cuộc sống còn quan trọng hơn. Nhìn ở góc độ đó, NQ 120 đang đứng trước 2 thách thức lớn cần phải vượt qua là nguồn lực ở đâu và bộ máy nào để vận hành theo cơ chế liên kết vùng, phát triển vùng!
Liên kết vùng là vấn đề lớn, khó, được thực hiện trên hiện trạng tổ chức bộ máy quản lý điều hành, các nguồn lực phân tán, cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật “thiếu phối hợp, thừa chồng chéo” là những thách thức lớn. Việc phân bổ ngân sách cho các chương trình, dự án đầu tư liên kết vùng mang tính tích hợp, vượt ra ngoài không gian hành chính tỉnh và nội bộ một ngành luôn bị vướng mắc bởi nhiều quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
NQ 120 “đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh, bổ sung và bố trí ngân sách triển khai chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ”. Song chúng ta đang “bị mắc kẹt” trong trần nợ công, nguồn lực khan hiếm, nếu không có quan điểm đột phá thì không thể bố trí một nguồn lực cần thiết cho phát triển đồng bằng. Điều quan trọng hơn là thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách. Muốn vậy, cần ban hành các cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn, kiến tạo thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư tư nhân. Cần đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng của công tác quy hoạch không gian phát triển và yêu cầu tích hợp để tạo môi trường đầu tư tốt hơn.
Yêu cầu quan trọng đang đặt ra là sớm hoàn thiện cơ chế điều phối vùng. Việc thành lập Hội đồng điều phối phát triển vùng được ví như “phòng thí nghiệm chính sách” cho sự chuyển đổi mô hình phát triển mới. NQ120 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư: xây dựng quy hoạch tổng thể vùng, rà soát, đánh giá cơ chế thí điểm điều phối vùng, trong đó có việc thành lập Hội đồng điều phối vùng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, liên kết chuỗi chặt chẽ nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, thủy sản của vùng là cần thiết và yêu cầu quan trọng để đảm bảo thực thi thí điểm. Song cần đặt nó trong bối cảnh cải cách tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII.
Theo đó, cần thành lập Hội đồng điều phối vùng có thực quyền, chỉ tập trung 2 lĩnh vực then chốt: điều phối việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước và quyết định các dự án đầu tư lớn, có tính liên kết vùng (theo quy mô, tính chất dự án). Giúp việc cho Hội đồng điều phối vùng chỉ cần có một bộ phận giúp việc hoặc văn phòng gọn, nhẹ, cán bộ chuyên môn tinh thông. Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế điều phối và vận hành Trung tâm thông tin dữ liệu vùng ĐBSCL để đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho việc ra quyết định “không hối tiếc” của Hội đồng điều phối vùng.
Bên cạnh Hội đồng điều phối vùng, cần thành lập nhóm tư vấn phát triển nghiên cứu, tư vấn, phản biện về chính sách và các vấn đề phát triển vùng ĐBSCL cho các cấp quyết định ở Trung ương và cấp vùng. Mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý, trong đó trước mắt tập trung ưu tiên các công trình cấp bách, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Việc vận hành một Hội đồng điều phối phát triển vùng có thể còn những khiếm khuyết, nhưng cần chấp nhận như một “phòng thí nghiệm chính sách” cho yêu cầu liên kết vùng, phát triển vùng đã được đặt ra từ lâu đã lâu chưa làm được!