Theo thông báo từ Hội đồng Anh, quyết định này nằm ngoài tầm kiểm soát của tổ chức và có ảnh hưởng tới tất cả các kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam. Thời điểm các kỳ thi được tổ chức trở lại sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ GD-ĐT. Hội đồng Anh đang làm việc chặt chẽ với Bộ DG-ĐT để có được các phê duyệt cần thiết trong thời gian sớm nhất có thể. Tất cả thí sinh bị ảnh hưởng bởi quyết định này sẽ được đổi ngày thi miễn phí. Hội đồng Anh sẽ gửi thông báo trực tiếp đến hòm thư điện tử của các thí sinh ngay sau khi các kỳ thi được phép tiếp tục tổ chức lại.
Trước đó, chiều tối ngày 9-11, nhiều người đã nhận được email thông báo hủy kỳ thi IELTS ngày 10-11 với nội dung như trên.
Thông báo này đã gây hoang mang, lo lắng cho nhiều phụ huynh có con chuẩn bị thi IELTS để hoàn thiện hồ sơ xin học bổng du học cũng như xét tuyển thẳng vào các trường đại học trong nước thời gian tới. Nhiều trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển học bạ 5 kỳ học (2 năm lớp 10, 11 và kỳ 1 của năm lớp 12) kết hợp với điểm thi IELTS. Thông thường kết thúc học kỳ 1 là thí sinh chuẩn bị hồ sơ để sẵn sàng gửi xét tuyển thẳng cho các trường, do đó việc hoãn thi IELTS của Hội đồng Anh khiến nhiều người hoang mang, vì sợ thời gian hoãn thi kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi xét tuyển đại học trong nước cũng như cơ hội xét học bổng du học của thí sinh.
Hiện nay, tại Việt Nam, hai đơn vị được phép tổ chức thi IELTS là Hội đồng Anh và tổ chức giáo dục quốc tế IDP. Lệ phí thi là hơn 4,6 triệu đồng một lượt.
IELTS (International English Language Testing System) là kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, được công nhận ở hơn 11.000 cơ sở đào tạo tại 140 quốc gia. Bài thi IELTS gồm bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết.
Aptis là bài kiểm tra tiếng Anh dựa trên các nghiên cứu mới nhất về khảo thí tiếng Anh của Hội đồng Anh. Bài thi gồm 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Thiết kế của bài thi Aptis đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các tổ chức (nhà tuyển dụng, đơn vị đào tạo…) và cá nhân trên toàn thế giới.
Bộ GD-ĐT vừa có gửi văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài. Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam chưa được quản lý chặt chẽ nên tiềm ẩn những nguy cơ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài đúng quy định hiện hành, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT tham mưu với UBND tỉnh thành chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương thực hiện một số nội dung. Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý các tổ chức, cá nhân đang thực hiện hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Thứ hai, kiểm tra các điều kiện bảo đảm để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 11/2022/BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn. Chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại địa bàn khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ GD-ĐT. Thứ ba, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại địa bàn theo đúng các quy định hiện hành. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại địa bàn. |