Tờ báo giữa chiến trường
Qua hơn 400 trang sách, tác giả Hồ Sơn Đài đã tái hiện quá trình ra đời của Báo Quân giải phóng từ số đầu tiên đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, báo dừng lại ở số 338, ra ngày 15-10-1975. Đây có thể xem là một kỳ tích, bởi trong bối cảnh chiến tranh diễn ra ác liệt nhưng những người làm Báo Quân giải phóng đã cho ra đời được 338 số báo trong 12 năm. Báo có đủ các chuyên mục: xã luận, bình luận, thông cáo báo chí, tin tức thời sự, phóng sự, ghi chép, tường thuật, tổ tiên ta đánh giặc, gương người tốt việc tốt, tùy bút, thơ, tranh, biếm họa…
Theo chia sẻ của PGS-TS Hồ Sơn Đài, ấn phẩm Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1963-1975) được ông lên ý tưởng và thực hiện ròng rã trong 2 năm. Để sao chép được 108 trong tổng số 338 số báo, ông phải đi tìm các nhà báo - những người trực tiếp làm nên Báo Quân giải phóng lừng lẫy một thời. Công việc hết sức khó khăn, bởi cán bộ, nhân viên, phóng viên của báo, người trẻ nhất nay đã hơn 70 tuổi, có người đã ngoài 90, và phần lớn đã mất. “Tìm được một nhà báo - nhân chứng có khi phải trải qua rất nhiều phương pháp tiếp cận, nhiều đường dây trung gian, nhiều ngày tháng”, PGS-TS Hồ Sơn Đài bày tỏ.
PGS-TS Hồ Sơn Đài (ngoài cùng bên phải) cùng 2 cựu phóng viên Báo Quân giải phóng Nguyễn Đình Thịnh và Trần Thị Vinh tại chương trình giao lưu |
Cùng tham gia vào chương trình giao lưu, ngoài tác giả Hồ Sơn Đài còn có thêm 2 khách mời từng công tác ở Báo Quân giải phóng là ông Nguyễn Đình Thịnh (phóng viên) và bà Trần Thị Vinh (phóng viên, biên tập viên). Thông qua những chia sẻ của khách mời, bạn đọc đã phần nào hình dung được công việc làm báo đầy khó khăn hồi đó. Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, việc viết được một bài báo và chuyển tay bài báo ấy về tòa soạn đã khó, việc in ấn ra tờ báo để phát hành đến từng trung đội Quân giải phóng trên toàn miền càng khó hơn.
Một thời tay bút, tay súng
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thịnh, ông và nhiều người vốn không được đào tạo báo chí bài bản, mà chuyển sang làm Báo Quân giải phóng theo yêu cầu của cách mạng lúc đó. “Khi được giao nhiệm vụ làm phóng viên Báo Quân giải phóng, thực tình chúng tôi rất bỡ ngỡ. Bởi chúng tôi là giáo viên bên Ủy ban Giáo dục, khi đi B, do tình hình chiến sự thay đổi nên một số anh em ở Ủy ban Giáo dục được chuyển sang Báo Quân giải phóng, sau đó có bổ sung nhiều anh em khác nữa cho đội ngũ phóng viên báo vòng ngoài”, ông Thịnh nhớ lại.
Với cây bút bi và tập giấy học trò phải cắt đôi cho gọn, ông Thịnh cùng các phóng viên khác đi về các chiến trường xa, các đơn vị bộ đội, hay ở địa phương để thu thập và khai thác tư liệu. Trong thời điểm chiến tranh ác liệt, có lúc ông và mọi người cũng phải trực tiếp tham gia chiến đấu cùng đơn vị.
Ông kể: “Khi đã thu thập được tư liệu, chúng tôi về viết bài. Chúng tôi ghi nhanh vào tập giấy, rồi chép lại cẩn thận để bộ phận biên tập không gặp khó khăn. Điều kiện trong rừng có lúc tối lúc sáng, có khi làm việc ở dưới hầm. Nếu viết bài vào ban đêm sẽ phải thắp đèn, như vậy rất nguy hiểm vì có thể bị máy bay địch phát hiện. Vậy nên, chúng tôi thường làm việc vào ban ngày, vừa viết vừa sẵn sàng tránh địch khủng bố hoặc ném bom. Khi viết xong, chúng tôi phải tìm mọi cách để có thể đưa bài về tòa soạn nhanh nhất”.
Dẫu phải làm việc trong điều kiện khó khăn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng những phóng viên chiến trường như ông Nguyễn Đình Thịnh và bà Trần Thị Vinh vẫn luôn cố gắng và nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ vậy, cùng với những phương tiện truyền thông khác lúc bấy giờ như Báo Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, Báo Quân giải phóng đã góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.