Trao đổi với báo chí, ông Đặng Xuân Hải nhấn mạnh: Trước hết, tôi cho rằng, việc Chi hội Điện ảnh Hãng phim truyện Việt Nam có lá đơn gửi tới Hội Điện ảnh Việt Nam nhờ can thiệp, bảo vệ quyền lợi người lao động là một hành động đúng. Ngày 18-9, Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam đã họp, thảo luận cặn kẽ toàn bộ sự việc.
Hội sẽ có văn bản gửi tới Bộ VH-TT-DL; Ban Tuyên giáo trung ương; Văn phòng Chính phủ… đề nghị làm rõ một số vấn đề như: Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã hợp lệ, công bằng chưa; quyền lợi chính đáng của người lao động, văn nghệ sĩ có được đảm bảo chưa; hội cũng sẽ lên tiếng bảo vệ, giữ gìn thương hiệu hãng phim truyện đã có bề dày lịch sử, giá trị hơn 60 năm của đơn vị được coi là cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Ông Đặng Xuân Hải cũng nói rõ, trong toàn bộ quá trình cổ phần hóa của hãng phim, hội không được tham vấn hay hỏi ý kiến. Tuy nhiên cá nhân ông cho rằng, có lẽ nên tìm nhà đầu tư chiến lược là đơn vị có hoạt động gần gũi hơn với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, mới có thể hiểu, tiếp cận tốt hơn hoạt động của hãng phim. Vài năm gần đây, Hãng phim truyện Việt Nam lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng do thiếu vốn và 2 tháng sau cổ phần hóa chưa đủ để thay đổi, mà cần phải có thời gian là 6 tháng, thậm chí 2 năm… mới có thể xốc lại hoạt động.
Song ông Đặng Xuân Hải cũng cho rằng, bên cạnh việc xây dựng các phương án phát triển mang tính chiến lược lâu dài, tại thời điểm này, ít ra lãnh đạo của hãng cũng phải đưa ra được phương án tình thế nhằm giải quyết những bức xúc trước mắt, để anh em có việc làm, có sản phẩm phục vụ xã hội…
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Danh Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vận tải thủy, Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam, cho biết, chiều 19-9 sẽ tổ chức tiếp xúc và đối thoại với anh em nghệ sĩ về những bức xúc tại Hãng phim truyện Việt Nam.