TPHCM được mệnh danh là “đầu tàu kinh tế” của cả nước, điều đó đồng nghĩa với việc nhìn nhận khả năng, vai trò, sức đóng góp của lực lượng doanh nhân, của “ngôi nhà chung” Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM. Đại dịch Covid-19 là một phép thử về bản lĩnh và trách nhiệm xã hội, riêng với doanh nghiệp thành phố, đã cho ra những chỉ số cụ thể: giới doanh nhân đã kịp thời và đóng góp đáng kể vào Quỹ vaccine, Quỹ phòng chống dịch, xây dựng tuyến bệnh viện dã chiến, huy động được 120.000 túi cứu trợ an sinh, 19.000 túi thuốc điều trị F0…
Ngay trong và sau những ngày thành phố căng mình chống dịch - mở cửa - phục hồi, “vai này” của doanh nghiệp là vừa đảm bảo giãn cách, vừa duy trì sản xuất, chăm lo người lao động, vừa chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu, đơn hàng, thị trường thay thế, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để “hàn gắn” thị phần, đón đầu những chuyển dịch thị trường cung ứng sản xuất - lao động.
“Vai kia” sớm có những đề xuất về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ vay ngân hàng, lãi suất, giãn nợ, thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm và chính sách đối với người lao động… Đặc biệt, “bàn tròn” doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước trong nước và quốc tế liên tục được thiết lập. Qua đó, thành phố tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm của các nước về các chủ đề tạo thành điểm nhấn của các diễn đàn kinh tế TPHCM như “Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp”, “Phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”, “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM trong tương lai”…
Song, thách thức phía trước hiện cũng rất lớn khi biến động địa - kinh tế - chính trị thế giới và các xu hướng công nghệ, biến đổi khí hậu - xã hội sau đại dịch đang tác động sâu, rộng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Doanh nghiệp Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng hẳn nhiên không thể nằm ngoài sức tác động, nếu không muốn nói đang là tâm điểm của “phản lực” về chính sách lẫn diễn biến thị trường. Do đó, nhìn lại và hoạch định các hướng đi sắp tới của cộng đồng doanh nghiệp như thế nào sẽ có sức phản chiếu - tương tác với chính cách thức điều hành, quản trị của bộ máy chính quyền TPHCM. Như nhấn mạnh trong phát biểu của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, là doanh nghiệp và chính quyền luôn chuẩn bị cho mình tư thế chủ động, sẵn sàng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được tin tưởng và phân công.
Gắn với thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023 của thành phố “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư”, những “đơn hàng” đã được đặt ra cho sự phục hồi tiếp diễn của nền kinh tế. Đó là, ổn định hệ thống ngân hàng thương mại, xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, tránh việc khủng hoảng thanh khoản sẽ triệt tiêu phát triển của các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa); chú trọng hơn thị trường nội địa, tăng tính thâm sâu công nghiệp hóa, tăng cường sản xuất và củng cố mạng lưới các mặt hàng thiết yếu (thực phẩm, y tế), ưu tiên các nguồn lực cho đào tạo lao động, thúc đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số.
Cụ thể hơn, với các nhóm chính sách, trong năm 2023 cần có nhiều biện pháp khác nhau để kích thích thị trường “nội địa” của thành phố và các tỉnh thành phía Nam, như tiếp tục đẩy mạnh các mảng liên quan đến thương mại, dịch vụ, du lịch đang vận hành khá hiệu quả trong năm đầu phục hồi, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kinh tế đêm khu trung tâm thành phố.
Về quy hoạch mang tính chiến lược cần tính tới các cụm đô thị trung và nhỏ, dân số sẽ phân tán ra khỏi khu trung tâm. “Nhánh” này, nếu triển khai cùng lúc với lộ trình của các dự án hạ tầng giao thông - điển hình là đường Vành đai 3 - sẽ khả thi.
Nhiệm vụ đào tạo lao động chất lượng cao tương ứng với nhu cầu thị trường sắp tới sẽ phải chú trọng năng lực tự học, khả năng tái bồi dưỡng kỹ năng, thậm chí chuẩn bị giáo trình thực tiễn cho Chuẩn kỹ năng số tối thiểu (digital minimum) - chữ dùng của GS Trần Văn Thọ - cho nhân lực lao động Việt Nam nói chung và các đô thị lớn như TPHCM nói riêng. Cũng như chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn mới phải làm sao chuyển các đơn vị cá thể thành doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó vừa nâng cao năng suất lao động, tăng GRDP qua việc ghi nhận đầy đủ hơn “các hoạt động kinh tế đang còn nằm ngoài hệ thống thống kê”.
“Vì quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp - Vì lợi ích của quốc gia - Vì uy tín đối với quốc tế - Vì xã hội và cộng đồng”, để hiện thực hóa trọn vẹn phương châm này, không chỉ đòi hỏi năng lực, tâm huyết, trách nhiệm của khối doanh nghiệp mà còn của toàn xã hội và chức trách của chính quyền.