Ngày 9-11, tại Hà Nội, Hội Cựu giáo chức Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5, nhiệm kỳ 3 (2014-2019), trong đó xác định nhiều nội dung trọng tâm để đóng góp xây dựng nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Hội giáo chức Việt Nam cho rằng, sống chung trong dòng chảy đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện, Hội sẽ cùng ngành giáo dục thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp căn bản trong năm 2019, trong đó tập trung làm tốt 4 nội dung có thể đóng góp xây dựng nền giáo dục Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An tặng hoa chúc mừng Hội Cựu Giáo chức Việt Nam nhân dịp triển khai nhiệm vụ mới. Cụ thể, Hội cựu giáo chức sẽ thực hiện đóng góp, chia sẻ quan điểm về quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; Phân luồng giáo dục phổ thông; Quyền tự chủ về trách nhiệm giải trình của Trường Đại học.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Hội Cựu giáo chức cũng cho rằng, ngoài 4 nội dung trên, Hội có thể tham gia xây dựng, hỗ trợ ngành giáo dục trong công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về chủ trương của ngành; tư vấn, phản biện về nội dung và tác động môi trường giáo dục của chính sách; tham gia giám sát thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trong 1 năm qua, Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã làm được rất nhiều việc, trực tiếp từng bước giúp cho ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện. Đáng kể, hệ thống các cấp Hội đã tham gia thảo luận Dự thảo Luật sử đổi của Luật Giáo dục; Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học; các kiến nghị cấp Hội về chế độ tiền lương cho nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS…
ĐỖ TRUNG