Tôi mong các anh chị giáo viên, bạn bè, cũng như thế hệ đàn em đã, đang và sẽ công tác, hay học ở các trường chuyên - lớp chọn không có cảm giác tôi phê phán họ. Tôi viết bài này với niềm mong ước rằng, thế hệ đàn em của tôi, những em gặp các vấn đề tương tự, sẽ học cách để giữ những điểm mạnh và vượt qua những điểm yếu của hệ thống trường chuyên - lớp chọn.
Khoảng 6 năm trước, trong một lần gặp gỡ gia đình một sinh viên, người cha chia sẻ với tôi tầm quan trọng của việc một người trẻ phải luôn luôn ở trong nhóm 5% giỏi nhất của bất cứ nơi nào bạn ấy học, kể cả lớp học thêm tại trung tâm bên ngoài. Anh giải thích với tôi rằng, đó là con đường dẫn đến thành công trong xã hội dựa trên kinh nghiệm của bản thân anh và cả rất nhiều người khác. Cũng trong buổi gặp hôm ấy, anh kể tôi nghe nỗi thất vọng khi con trai lớn của anh không đạt được tiêu chuẩn ấy. Em vẫn luôn học lớp thường, trường thường và chẳng nổi bật chút nào như ngày anh còn trẻ. Người cha ấy đến gặp tôi với lo lắng rằng, con anh sẽ không kiếm được một việc làm tốt sau khi ra trường.
Tôi có khá nhiều bạn bè làm trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam, dù họ không thích những giờ dài đằng đẵng con họ dành cho việc học trong lẫn ngoài trường. Dù sự mệt mỏi vì thiếu thời gian nghỉ ngơi, vui chơi để cân bằng cho cuộc sống của tuổi dậy thì đến đâu đi chăng nữa, thì họ vẫn quyết định khuyến khích, thậm chí ép con vào bằng được các trường điểm, trường chuyên của tỉnh hay thành phố. Họ nói với tôi rằng, đó vẫn là con đường tốt nhất để dẫn đến nhiều cơ hội thành công trong sự nghiệp sau này.
Tôi đã không cãi với người cha ấy, cũng như luôn tôn trọng quyết định của bạn bè mình. Nhưng trong tôi vẫn luôn đau đáu một câu hỏi từ ngày ấy: “Trường chuyên - lớp chọn có thật sự tốt cho tất cả bạn trẻ?”. Lúc ấy, tôi chưa đủ thông tin và kiến thức để trả lời cho nỗi trăn trở của mình. Mãi đến 6 tháng gần đây, tôi mới xác định rằng, trường chuyên - lớp chọn quả thật mang lại nhiều lợi ích cho những ai phù hợp với môi trường cạnh tranh. Nhưng với một số bạn trẻ khác, hệ thống này cũng mang lại những hệ quả khá tiêu cực, đủ để xóa nhòa những ưu điểm ấy. Tôi nghĩ, cũng như bao quyết định hướng nghiệp khác, các bạn trẻ và cha mẹ nên tìm hiểu thật kỹ xem trường chuyên lớp chọn có phù hợp với mình không trước khi quyết định vào học.
Trong suốt hơn 9 năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp tại Việt Nam, gần như hơn 90% các trường hợp cực khó là các em đã học tại trường chuyên - lớp chọn. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong quyết định chọn ngành học, đổi ngành học, rồi sau đó là chọn chương trình thực tập, chọn công ty, đổi việc... Đặc điểm chung tôi thường thấy ở họ là, so sánh bản thân mình trong mọi lúc, mọi nơi, với mọi người. Điều này dẫn đến việc dù học rất giỏi, làm việc khá tốt, nhưng họ luôn sợ hãi là họ chưa đủ giỏi, chưa đủ tốt, vì sao không bằng người này, vì sao dở hơn người nọ…
Vấn đề mà họ gặp phải không còn thuần túy là hướng nghiệp, mà đã chuyển qua tâm lý về sự thiếu tự tin, về việc luôn không hài lòng với bản thân, về thói quen phóng chiếu sai lầm của bản thân cùng sự sợ hãi thường xuyên về những thất bại có thể xảy ra, nên cuối cùng kết quả là họ - không - làm - gì - cả, đông cứng trong nỗi hoảng loạn của riêng mình.
Khi đồng hành cùng họ, tôi thường hay lấy hình ảnh của một người đạp xe lên dốc mà hai tay thì liên tục bóp thắng. Tôi hình dung những khả năng, kỹ năng và sở thích của họ với hành động đạp xe. Tương tự, tôi dùng hình ảnh liên tục bóp thắng để minh họa nỗi sợ hãi triền miên bên trong họ. Và rất nhiều lần, họ bật khóc trước mặt tôi.
Họ kể tôi nghe về những năm dài chiến đấu cùng sách vở, nỗi buồn khi bạn bè trong xóm đi chơi trong lúc họ miệt mài học hành. Họ kể tôi nghe về nỗi sợ của những lần tuyển chọn đội ngũ học sinh giỏi tham gia các cuộc thi cấp trường, tỉnh, quốc gia, quốc tế; họ sợ không được chọn và khi được chọn sợ không đậu cao và khi đậu cao sợ lần thi sau không cao hơn nữa...
Suốt cuộc đời đi học, trước mặt họ luôn là những đỉnh núi cao hơn mà họ phải vượt qua. Động lực để vượt qua không phải là niềm vui hay chọn lựa của bản thân - mà là nỗi sợ bị chê cười, đánh giá, hay thậm chí là khinh bỉ khi không vượt lên được.
Khi nhận ra được cốt lõi vấn đề, họ tập công nhận những thành quả của mình, dù nhỏ dù lớn. Họ tập đối thoại với bản thân rằng mình đủ tốt, đủ giỏi. Họ tiếp tục học hỏi để tiến bộ hơn so với bản thân 6 tháng trước thay vì so với người “nổi tiếng” ở phòng bên cạnh. Cuộc hành trình này không hề dễ dàng chút nào, nhưng vì họ bắt đầu nhận thấy, họ đã tìm ra lối đi cho riêng mình một cách bình an.
Lúc ấy, tất cả ưu điểm của giáo dục trường chuyên - lớp chọn được phát huy tối đa. Mạng lưới xã hội của họ rất vững vì bạn bè cùng lớp đều như họ, được tuyển lựa từ những học sinh giỏi nhất trong vùng. Khả năng tự học của họ rất cao nhờ thói quen vùi đầu vào sách vở bao năm dài tạo nên. Kiến thức chuyên ngành của họ rất vững vì được rèn bởi những thầy cô giỏi, nhiều kinh nghiệm cũng như các cuộc thi trong và ngoài nước. Động lực của họ mạnh vì họ quen luôn chinh phục những đỉnh cao phía trước, không bằng lòng với những gì đã đạt được.
Cho những em đã và đang học trường chuyên - lớp chọn có những vấn đề tương tự trong bài này, tôi muốn chia sẻ với các em rằng, hãy thay thế sự so sánh mình với người khác bằng mình với ngày hôm qua. Hãy xem những cuộc thi đấu và thử thách là một phần trong cuộc hành trình đi học. Dù thắng hay thua thì lợi ích lớn nhất là sự cọ xát và học hỏi trong quá trình. Kết quả không quan trọng bằng quá trình em gặp ai, làm gì, ứng đối ra sao với stress, hiểu mình và hiểu người như thế nào, đều quan trọng hơn thứ hạng cuối cùng.
Quan trọng nhất, tôi mong các em hiểu được rằng, đừng cho bất cứ ai thuyết phục các em rằng các em chưa đủ giỏi - vì các em đã đủ giỏi rồi.