
U30 đã... quên trước quên sau
Chị Võ Thị Hồng Nhung (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TPHCM) chia sẻ: “Mỗi ngày tôi đều có chuyện dở khóc dở cười vì thường xuyên quên những việc tưởng chừng rất đơn giản như tắt quạt, gửi email, khóa cửa phòng... Có lúc chạy đi làm được nửa đường, tôi phải vòng lại phòng trọ vì không chắc đã tắt bếp chưa. Ban đầu tôi phì cười vì nghĩ rằng do bản tính hời hợt, làm việc gấp gáp nên có lúc nhớ, lúc quên”. Tương tự, anh Nguyễn Quốc Bảo (27 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin tại TPHCM) cũng gặp phải câu chuyện... quên trước quên sau, nhiều khi anh chằm chằm nhìn vào màn hình máy tính vài phút chỉ để nhớ ra sẽ phải làm gì. Mỗi ngày có hàng trăm thông tin mới khiến não anh Bảo lúc nào cũng trong trạng thái quá tải. Đến bệnh viện thăm khám sức khỏe, anh được chẩn đoán mắc hội chứng suy giảm trí nhớ dạng nhẹ và phải tạm thời nghỉ việc, thư giãn một thời gian để hồi phục sức khỏe não bộ.
Hội chứng “não cá vàng” vốn được hiểu là tình trạng hay quên, suy giảm trí nhớ và mất tập trung. Trước đây, suy giảm trí nhớ thường gắn liền với người cao tuổi, nhưng hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ tuổi than phiền về việc quên trước quên sau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi như: lối sống căng thẳng, áp lực công việc, rối loạn giấc ngủ, lạm dụng rượu bia và chất kích thích, lạm dụng công nghệ và mạng xã hội, ít vận động khiến máu lưu thông kém làm giảm khả năng tái tạo tế bào thần kinh, thiếu dinh dưỡng... Ngoài ra, đây còn là biểu hiện của một số bệnh tâm lý tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu... Một số bệnh lý cũng gây giảm trí nhớ như suy tuyến giáp, thiếu máu, u não.... Hội chứng “não cá vàng” còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer sớm và dễ dẫn đến căng thẳng, trầm cảm.
Sống lành mạnh, đẩy lùi suy giảm trí nhớ
Theo BS CK2 Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), suy giảm trí nhớ ở người trẻ do kém tập trung, giảm khả năng ghi nhận thông tin. Người bệnh thường gặp khó khăn khi nhớ lại thông tin vừa xảy ra, có gợi ý thì nhớ lại tức thì. Theo báo cáo khảo sát của Trường Đại học Y Dược TPHCM, hiện nay, Việt Nam ghi nhận khoảng 20-30% người trẻ độ tuổi 16-35 tuổi đối mặt với vấn đề về trí nhớ. Các biểu hiện thường gặp của suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi gồm: kém tập trung, thường xuyên lơ đãng trong công việc và học tập; hay quên mọi thứ, khó ghi nhớ một thông tin mới; tâm lý, cảm xúc thay đổi bất thường (dễ nóng giận, phiền muộn, thờ ơ…). Để xác định nguyên nhân suy giảm trí nhớ, bác sĩ sẽ đánh giá bằng các bảng trắc nghiệm về nhận thức (đánh giá khả năng tập trung, trí nhớ tức thì, nhớ lại...), kiểm tra trầm cảm và lo âu…

Để khắc phục hội chứng “não cá vàng”, các chuyên gia khuyến cáo cần thay đổi lối sống, giảm căng thẳng, áp lực công việc; sắp xếp công việc hợp lý, tránh cùng lúc phải giải quyết nhiều vấn đề; luyện tập thư giãn, thiền, khí công, yoga. Ngoài ra, mỗi người cần luyện tập thể lực, thể dục thể thao thường xuyên, tăng cường lưu thông máu, tăng hô hấp, tăng oxy lên não, chống oxy hóa, chống viêm... Cần có giấc ngủ tốt, tránh lạm dụng rượu bia, chất kích thích, đặc biệt tránh hoạt động thể lực và trí óc quá mức vào buổi tối. Bên cạnh đó, một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng có tác dụng tốt trong phòng tránh và khắc phục suy giảm trí nhớ. “Chúng ta cần hạn chế những loại thực phẩm nhiều carbohydrate và đường, chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, đồ uống có ga. Thay vào đó, nên sử dụng nguồn thực phẩm lành mạnh và giàu dinh dưỡng cho bộ não như cá biển, thực phẩm giàu vitamin nhóm B, thực phẩm giàu choline có trong các loại trứng gia cầm, dầu olive, giảm mỡ động vật”, BS CK2 Nguyễn Thị Phương Nga khuyến cáo.