Hội chợ nghệ thuật - gần mà xa

Hội chợ nghệ thuật vốn xuất hiện từ lâu, nhưng liệu có dễ dàng chinh phục số đông khán giả, khi chuyện trả phí để thưởng thức tác phẩm mỹ thuật vẫn chưa thực sự phổ biến.

Thu phí xem tranh phải có chỗ “check-in”

Hiện tại, việc triển lãm mỹ thuật thu phí có hai chiều ý kiến. Theo nhiều đơn vị quản lý phòng tranh, không gian trưng bày nghệ thuật, việc thu phí đến triển lãm vẫn còn là khái niệm rất xa lạ với khán giả trong nước, thậm chí với cả giới sưu tầm. Thu phí cũng được xem là nguyên nhân khiến không ít không gian nghệ thuật phải dừng chân chỉ sau vài năm hoạt động. Điển hình như T.F.C.A.C, phòng tranh N.A. (cùng tại TP Thủ Đức, TPHCM), dù cho các không gian này có sự hỗ trợ từ khá nhiều họa sĩ, giám đốc bảo tàng mỹ thuật có tiếng trong lĩnh vực.

Chị Huỳnh Hương (chủ một phòng tranh tại quận 1, TPHCM) chia sẻ: Phòng tranh muốn có khách lui tới thường xuyên, cần phải có triển lãm mới, nhưng thu phí bằng một ly trà sữa thôi thì khách cũng sẽ phản ứng. Tôi từng bị khách góp ý thẳng “coi tranh thôi mà cũng thu tiền”. Vì thế sau này khi triển lãm, tôi thường tổ chức thêm hòa nhạc hay workshop, thậm chí có khi còn phối hợp các nghệ nhân để dạy cắm hoa, hay đan len... Chỉ như thế, khách tham quan mới sẵn sàng chi một mức phí phù hợp.

X6A.jpg
Một buổi triển lãm mỹ thuật kết hợp hòa nhạc và múa đương đại tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San

Với nhiều bạn trẻ, đến triển lãm nhất là triển lãm mỹ thuật, phải có góc chụp ảnh đẹp thì mới chi tiền vé. Cũng vì vậy, nhiều triển lãm nhất là liên quan đến nghệ thuật trình chiếu, ban tổ chức sẽ bố trí các khu vực check-in riêng, có cả chuyên gia hỗ trợ chụp ảnh theo các trường phái hội họa, nhờ thế thu hút nhiều bạn trẻ mua vé. Phan Thị Thu Trang (24 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) nhìn nhận: “Nếu chỉ vào coi tranh, tượng thì không mấy hứng thú, chừng 15 phút là chán. Nhưng triển lãm có không gian check-in riêng, có hỗ trợ chụp ảnh đẹp thì lại hấp dẫn hơn hẳn, thu hút rất nhiều người trẻ”.

Bước đi cơ bản cho thị trường mỹ thuật

Hoạt động hội chợ không xa lạ với công chúng trong nước, tuy nhiên nó thường được hiểu như là nơi mua sắm, ăn uống, còn khái niệm hội chợ nghệ thuật thì ít được biết đến.

Tại TPHCM, các nhóm art toy (tạm dịch: đồ chơi nghệ thuật) phát triển khá nhiều, nhưng không thể duy trì đường dài, bởi các hội chợ đồ chơi nghệ thuật thì hơn 50% khách là người trong giới với nhau. Dù số lượng art toy hạn chế, do được làm thủ công, nhưng không mấy khách “chốt đơn”.

Một hội chợ nghệ thuật đang diễn ra trên đường Hai Bà Trưng (quận 3, TPHCM), tuy được tổ chức khoa học, có giới thiệu hệ thống cơ bản những giai đoạn mỹ thuật trong nước, nhưng khách ngoài giới rất ít.

Chị Trương Tuyết Mai (32 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: Triển lãm hay hội chợ nghệ thuật trong nước thì nhiều, nhưng chủ yếu là dân trong giới, người làm công việc có liên quan hoặc sinh viên trường mỹ thuật, kiến trúc lui tới thường xuyên, khách bên ngoài ít ai quan tâm. Với hội chợ nghệ thuật, nếu không có kiến thức, không hiểu cái hay, cái đẹp của tác phẩm thì đi một vòng là chán ngay. Cũng vì thế, nhiều hội chợ nghệ thuật trong nước làm rất tốt, nhưng lại chẳng thu hút được khách.

Theo nhiều nhà sưu tập, các hội chợ nghệ thuật trong nước tuy chưa thu hút khách hàng nhưng cũng là tín hiệu tốt, cho thấy thị trường mỹ thuật đang từng bước chuyên nghiệp. Hội chợ vốn được xem là một trong những hoạt động cơ bản của một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa, song hành với hoạt động đấu giá. Cũng bởi thiếu hội chợ, đấu giá, nên các giao dịch tranh giữa tác giả với nhà sưu tập, giữa nhà sưu tập và nhà sưu tập trong nước, dù có thể lên đến mức cả hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn “ngầm” diễn ra. Bởi theo họ, thị trường chưa hình thành những bước căn bản, có quá nhiều rủi ro, các bên mua bán gần như tự chịu trách nhiệm, nên thà tự “chốt đơn” trực tiếp với nhau vẫn hơn.

Trên đường dài phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, hoạt động để thúc đẩy một thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp là yếu tố cần thiết… Trong đó, hội chợ nghệ thuật là tiềm năng tạo nên doanh thu cho sản phẩm sáng tạo, không chỉ riêng lĩnh vực mỹ thuật.

Tin cùng chuyên mục