Được quảng bá là cung cấp cho người dân giải pháp tối ưu trong khám và điều trị bệnh, quy tụ nhiều bác sĩ giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước, chương trình hội chẩn lại kết quả bệnh án (City Plus) của Bệnh viện (BV) Quốc tế City giúp hội chẩn lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Tuy nhiên, khi chương trình này đi vào hoạt động đã và đang gây không ít ý kiến trái chiều cho người bệnh và cả giới chuyên môn.
Kết quả chỉ mang tính tham khảo
Theo Ths.BS Đào Thị Mỹ Vân, Phó Giám đốc Y khoa BV Quốc tế City, thông thường khi nhận kết quả chẩn đoán, người bệnh thường lo lắng. Việc quyết định phương pháp điều trị đôi khi rất khó hoặc phức tạp, đòi hỏi tìm hiểu thêm, nhất là khi có hơn một phương thức điều trị bệnh mới được đề cập.
“Trên thực tế, tại các nước phát triển như Mỹ, chẩn đoán y khoa khác nhau rất phổ biến. Vì vậy, việc tham khảo thêm ý kiến tư vấn y khoa thứ 2 giúp người bệnh hiểu kỹ hơn về tình trạng bệnh, xem xét về độ chính xác của chẩn đoán ban đầu, yên tâm hơn để điều trị. Khi còn băn khoăn giải pháp nào là tốt nhất, việc tham khảo thêm ý kiến chuyên môn từ hội đồng bác sĩ có thể giúp bệnh nhân tiếp cận phương pháp điều trị phù hợp nhất. Khi tiếp nhận hồ sơ bệnh án, hội đồng bác sĩ sẵn sàng cùng trao đổi với bệnh nhân về các kết quả bệnh án ban đầu và lời khuyên thứ 2 nhằm đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, đặc biệt tuân thủ quy trình tính bảo mật thông tin cho cả bác sĩ và người bệnh”, bác sĩ Mỹ Vân cho hay.
Cũng theo bác sĩ Mỹ Vân, chương trình City Plus không thu phí mà hướng đến ý nghĩa giúp đỡ cộng đồng tìm được đúng bác sĩ, chữa đúng người, đúng bệnh. Khi nhận hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, Hội đồng y khoa của City Plus sẽ hội chẩn liên chuyên khoa, đánh giá bệnh sử ở nhiều góc độ khác nhau nhằm mang lại kết quả chẩn đoán bệnh chính xác, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho bệnh nhân và người thân. Thông qua các dữ kiện cận lâm sàng, bác sĩ của hội đồng sẽ nghiên cứu, tìm hiểu kỹ bệnh sử.
Người bệnh có thể tin vào bác sĩ ban đầu, vào kết quả ban đầu, nhưng hãy chắc chắn rằng giải pháp điều trị phải là giải pháp tốt nhất chứ không phải giải pháp phù hợp. Với những bệnh cảnh nặng, phức tạp, một bác sĩ có thể sẽ gặp khó khăn, nhưng nếu người bệnh có một hội đồng chẩn đoán y khoa quy tụ những bác sĩ đầu ngành của nhiều chuyên khoa khác nhau, kết quả chẩn đoán và phương pháp điều trị sẽ chính xác hơn.
Sở Y tế chưa biết
Trước thông tin chương trình City Plus đang quảng cáo quá “nổ”, đánh vào tâm lý người bệnh, nhiều chuyên gia cho rằng, việc khuyến khích người dân tìm kiếm một ý kiến tư vấn y khoa độc lập cũng là một hình thức khuyến khích nghi ngờ trong chẩn đoán. Trong khi đó, giá trị lớn nhất trong hội chẩn cấp cao hơn thể hiện ở các ca bệnh phức tạp, và thể hiện không chỉ riêng ở việc chẩn đoán, mà còn ở quá trình điều trị.
Nhìn nhận thẳng thắn vấn đề, một bác sĩ chuyên khoa ngoại ở TPHCM cho rằng, tại các BV, đối với các ca khó đều có chương trình hội chẩn liên khoa và liên viện, được thực hiện nhanh theo từng trường hợp cần thiết với sự chuẩn bị của cả một hệ thống đáp ứng điều trị phía sau, chứ không chỉ là vấn đề ý kiến. Tuy nhiên vị bác sĩ này cũng thừa nhận, ngày nay việc bệnh nhân đi hỏi lại kết quả chẩn đoán để kiểm tra là việc thực tế đang diễn ra và việc một bác sĩ xem lại hồ sơ để giải thích hoặc thậm chí có ý kiến ngược lại là bình thường. Quan trọng là hội đồng tư vấn đó tập trung chính vào việc tư vấn người dân lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp nhất, sau khi đã được phân tích những ưu khuyết điểm của các phương pháp điều trị.
Còn theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện Sở Y tế chưa nhận được thông tin việc BV Quốc tế City thành lập hội đồng tư vấn y khoa và cũng chưa hiểu rõ về quy trình hoạt động của chương trình này. “Thông thường để hội chẩn một bệnh án tại một cơ sở y tế, bác sĩ điều trị chẩn đoán chưa rõ thì sẽ hội chẩn theo cấp khoa, hội chẩn cấp BV và hội chẩn liên viện. Việc City Plus thực hiện hội chẩn bệnh án của các cơ sở y tế khác là điều hơi quá, vì không thể lấy ý kiến của một bác sĩ để kết luận cuối cùng cho một phác đồ điều trị ở cơ sở y tế ban đầu. Tư vấn lấy ý kiến tham khảo còn được, chứ hội chẩn lại thì hơi quá”, ông Thượng cho hay.
Chương trình City Plus được quảng bá là hội đồng y khoa quy tụ nhiều bác sĩ đầu ngành ở các BV lớn trong nước và nước ngoài. Khi đi vào hoạt động, mạng lưới bác sĩ của City Plus sẽ được mở rộng lên đến hàng ngàn bác sĩ, không chỉ ở Việt Nam mà còn kết nối đến các bác sĩ giỏi ở các cơ sở y tế nổi tiếng của Mỹ, Singapore và các nước có nền y tế tiên tiến khác.
Với đội ngũ y tế giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao, City Plus đưa ra lời khuyên để bảo vệ sức khỏe người bệnh, giúp người bệnh tiếp cận những phương pháp y tế tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, điều các chuyên gia y tế quan ngại là cơ sở pháp lý nào để BV Quốc tế City được phép lập hội đồng xem xét lại kết quả chẩn đoán, hội chẩn của các BV khác (!?).
Trong khi, chưa có kiểm định chất lượng nào để khẳng định rằng kinh nghiệm chuyên môn, chuyên gia, cơ sở vật chất, thiết bị của BV Quốc tế City “đứng trên” các BV tuyến đầu và tuyến cuối khác như Chợ Rẫy, Thống Nhất, Từ Dũ, Nhân dân 115… Vậy, liệu với sự “thẩm định” lại hồ sơ bệnh án của Chương trình City Plus có khiến bệnh nhân thêm lo lắng, thậm chí hoang mang không biết tin vào đâu, để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nếu có sự khác biệt về hội chẩn?