Sáng 17-3, sau 3 ngày tổ chức tại tuyến đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM), Hội Báo toàn quốc năm 2024 đã chính thức bế mạc. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.
Kết nối cơ quan báo chí với công chúng, độc giả
Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, Hội Báo toàn quốc năm 2024 đã mang đến cho công chúng và các nhà báo – hội viên nhiều sự kiện, hoạt động nghiệp vụ có chất lượng cao, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả như: Diễn đàn báo chí toàn quốc lần đầu tiên với 12 phiên họp, 10 phiên thảo luận, với hơn 60 diễn giả là các nhà báo dày dạn kinh nghiệm trong nước và các chuyên gia truyền thông quốc tế uy tín, tập trung vào các chủ đề nóng, có tính cấp bách mà lý luận và thực tiễn báo chí Việt Nam cần nhận diện và tìm giải pháp.
Bên cạnh đó, các chương trình văn hóa văn nghệ của sinh viên các trường Đại học báo chí với chủ đề “Thanh niên Việt Nam – Khát vọng Hùng Cường”, Giải Bóng đá Cúp Báo Nhà báo & Công luận… cùng các chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, đặc sắc đã giúp hội báo thêm sinh động, hấp dẫn.
“Tinh thần tương tác, giao lưu trong các sự kiện của hội báo đã gia tăng sự kết nối những người làm báo với nhau, kết nối các cơ quan báo chí với nhau và với công chúng báo chí, tăng thêm sự gần gũi giữa nhà báo và bạn đọc. Đây cũng chính là nét đẹp đặc trưng của Hội Báo toàn quốc nhiều năm nay”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi chia sẻ.
Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, thành công của Hội Báo toàn quốc năm 2024 đã thể hiện rõ kết quả của tinh thần đoàn kết giữa các cơ quan báo chí, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; giữa các cấp Hội Nhà báo; giữa báo chí - doanh nghiệp - công chúng. Tất cả đã cùng nhau chung sức, đồng lòng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong báo chí, cùng nhau nắm thời cơ, cùng gắng sức cộng tác để vượt qua khó khăn thách thức, hướng tới một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, nhằm phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Phát biểu tại lễ bế mạc, nhấn mạnh đến chủ đề “Báo chí Việt Nam – Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phân tích, “tiên phong” là đi đầu trong thông tin tuyên truyền định hướng dư luận xã hội, về những nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại quan trọng của đất nước. Cùng với đó, “đổi mới” trong lãnh đạo, chỉ đạo, tư duy quản lý trong nội dung thông tin, quy trình sản xuất và xuất bản, trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa nguồn thu để báo chí giữ vững và làm chủ; là dòng thông tin chủ lực, quan trọng trên mặt trận thông tin truyền thông, nhất là trên không gian mạng.
“Những nhiệm vụ này đều hướng tới mục tiêu cao cả, đó là vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta”, đồng chí nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, đồng chí bày tỏ phấn khởi khi nhiều công chúng báo chí là học sinh, sinh viên của các trường đại học cũng như nhiều vị khách trong nước và quốc tế đã dành thời gian tham quan, nghiên cứu và trực tiếp tham gia các hoạt động của hội báo; đồng thời khẳng định hội báo đã thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người; là điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại của báo chí cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của các địa phương tại hội báo năm nay là giúp các doanh nghiệp nâng cao thương hiệu quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn nữa; đồng thời giúp cho công chúng TPHCM và cả nước có cơ hội trải nghiệm và sử dụng sản phẩm đặc trưng của nhiều vùng miền trên cả nước. “Đó là tinh thần của báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.
Đánh giá các phiên thảo luận ấn tượng trong diễn đàn báo chí, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định những kiến nghị, đề xuất tại diễn đàn là cơ sở quan trọng để cơ quan lãnh đạo, quản lý, cơ quan hội nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, trình cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với báo chí. Là những kinh nghiệm quý báu để các cơ quan báo chí học hỏi, tìm giải pháp, hướng đi cho cơ quan báo chí của mình.
Bám sát cuộc sống, lan tỏa giá trị tốt đẹp
Nhấn mạnh đến nhiều nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện trong năm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền tốt việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2024, bám sát hơi thở cuộc sống để phản ánh, góp ý, kiến tạo, lan tỏa những giá trị tốt đẹp và nhân ái trong xã hội; đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống đáp ứng mong mỏi của mọi người dân.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong việc sản xuất, phát sóng các chương trình, tin, bài. Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; không ngừng bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, chuyên môn nghiệp vụ cho người làm báo; quyết tâm hơn nữa để xây dựng mỗi cơ quan báo chí là một cơ quan tiêu biểu về văn hóa.
“Người đứng đầu cơ quan báo chí và tạp chí cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn, nhất là việc thực hiện quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là thực hiện tôn chỉ, mục đích; có giải pháp quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên hoạt động tác nghiệp đúng quy định; kiểm soát khoa học, chặt chẽ hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên, bảo đảm hoạt động đúng quy định của Luật Báo chí và các văn bản pháp luật liên quan”, đồng chí lưu ý.
Đồng chí cũng chỉ đạo Hội Nhà báo Việt Nam đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra kết luận và xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Các cấp hội từ Trung ương đến địa phương tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Cần tăng cường tổ chức hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng làm báo hiện đại, phương thức tác nghiệp báo chí trong môi trường số; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp, cách thức ứng xử trên mạng xã hội đối với hội viên, những người làm báo cả nước.
“Với mỗi người làm báo cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, chức năng và nhiệm vụ của mình trong nền Báo chí cách mạng Việt Nam; không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, kỹ năng công nghệ. Đồng thời rèn luyện tài – đức để “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân”, đồng chí gửi gắm.
Hội Báo toàn quốc năm 2024 thu hút 112 gian trưng bày các ấn phẩm báo Xuân và các ấn phẩm báo chí tiêu biểu năm 2023 và quý I năm 2024; quy tụ hơn 600 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương và các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, hội báo có sự góp mặt của 64 gian hàng sản phẩm OCOP đến từ 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, Ban Tổ chức và Hội đồng giải thưởng đã trao các giải thưởng: Trao 1 giải A, 3 giải B, 5 giải C, 9 giải Khuyến khích đối với Giải Phát thanh – Truyền hình Tết ấn tượng; trao 1 giải A, 3 giải B, 6 giải C, 5 giải Khuyến khích đối với Giải Phát thanh Tết ấn tượng; trao 1 giải A, 3 giải B, 6 giải C, 9 giải Khuyến khích đối với Giải Giao diện báo điện tử Tết ấn tượng; trao 3 Giải A, 5 Giải B, 10 Giải C và 29 Giải Khuyến khích đối với giải Bìa báo Tết ấn tượng; trao 5 Giải A, 15 Giải B, 26 Giải C, 36 Giải Khuyến khích đối với Giải Gian trưng bày xuất sắc.
Báo SGGP đoạt giải B Bìa báo Tết ấn tượng và giải Khuyến khích Gian trưng bày xuất sắc.