Áp lực lên di sản
Trong tổng số 3,22 triệu lượt khách tham quan du lịch Hội An năm 2017, có gần 2,38 triệu lượt khách mua vé tham quan phố cổ, số lượng khá lớn so với diện tích của điểm đến này. Sự gia tăng khách bên cạnh những lợi ích về nguồn thu, sinh kế, kinh doanh... cũng đã gây áp lực mạnh mẽ lên di sản, tác động đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Tình trạng gia tăng rác thải, nước thải từ dân sinh và hoạt động du lịch khiến vấn đề ô nhiễm môi trường trong phố cổ và các khu vực nhạy cảm như chùa Cầu, sông Hoài ngày càng nghiêm trọng.
Cùng với đó, sự chuyển dịch lao động từ các ngành nghề và các vùng miền khác đổ về Hội An cũng vô tình làm biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống của phố cổ, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Hội An trong mắt khách.
Khách du lịch đến Hội An tăng cao đã tạo áp lực lên di sản
Theo ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hội An, đơn vị quản lý hoạt động tham quan phố cổ, hiện di sản Hội An đang đối mặt với 2 áp lực. Đó là lượng khách vào phố cổ quá đông, nhất là thời điểm buổi chiều và tối. Áp lực thứ hai chính là sự thay đổi chủ sở hữu trong phố cổ dẫn đến một số giá trị văn hóa không phải của Hội An du nhập gây tác động ít nhiều đến nếp sống, lối sống, làm mất dần “chất” Hội An.
“Trong phát triển luôn kèm theo mặt trái và những phát sinh, khách tăng là vui nhưng cũng tạo nên nhiều thách thức. Mặc dù hiện tại khách mới chỉ tràn ngập thôi chứ chưa đến mức chen lấn, nhưng với tốc độ như hiện nay, dự báo thời gian tới chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng chen lấn trong phố cổ. Vì vậy, phải đặt bài toán dự lường cho những năm tới về các áp lực của di sản để biết cách ứng xử, hạn chế những bất cập làm phá vỡ kiến trúc, văn hóa của phố cổ”, ông Phùng dự đoán.
Khách du lịch đến Hội An tăng ngoài tạo sinh kế, thu nhập cho người dân cũng mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, giúp công tác bảo tồn di sản được tốt hơn. Thống kê năm 2017, riêng tiền bán vé tham quan phố cổ ước đạt 220 tỷ đồng (70% trong số đó nộp ngân sách nhà nước dành cho công tác trùng tu, bảo tồn di tích; 10% - 15% trả cho chủ di tích; còn lại dành cho bộ máy quản lý di sản), chưa kể nguồn thu gián tiếp du lịch mang lại hơn 3.571 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, khẳng định khách tăng chắc chắn sẽ tạo áp lực lên công tác quản lý di sản, dù việc tăng này sẽ mang lại một số lợi ích cho người dân.
“Dưới góc độ bảo tồn, khách tăng lo nhiều hơn mừng. Trước hết, khách đông sẽ dẫn đến dịch vụ tăng, khiến việc thuê nhà, mua nhà làm dịch vụ cũng nhiều hơn, rồi lao động đến Hội An cũng tăng lên, dẫn đến áp lực về mặt dân cư và dân số tác động đến di sản, những ngôi nhà cho thuê kinh doanh sẽ mất đi phần hồn, chỉ còn là những cửa hàng, nhà kho buôn bán”, ông Trung phân tích.
Mở rộng không gian du lịch
Thực tế cho thấy, nếu nhìn từng thời điểm, phố cổ sẽ quá tải, tuy nhiên tổng thể thì vẫn đủ sức chứa vì khách tập trung trong phố cổ chủ yếu buổi chiều, tối. Bên cạnh đó, không gian phân bố khách cũng không đồng đều, khi đa phần khách tập trung tham quan khu vực phía Tây phố cổ (hướng chùa Cầu), ngược lại khu vực phía Đông (hướng chợ Hội An) ít hơn. Theo ông Võ Phùng, Nhà nước cần có cơ chế linh động như chuyển vé tham quan từ phí lệ phí thành dịch vụ, nghĩa là không phát hành vé mà phát hành theo dịch vụ từng thời điểm như bán vé giá thấp vào buổi sáng và giá cao buổi chiều tối để dàn trải khách ra.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng khách gia tăng cũng gây áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá, bãi đậu xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn… vì không đáp ứng kịp. Chưa kể, khách tăng cao nhưng chủ yếu là 2 thị trường mới nổi Hàn Quốc và Trung Quốc (lần lượt tăng 70% và 60% so với cùng kỳ), một số thị trường khách truyền thống như châu Âu, Mỹ, Australia giảm sút; cụ thể khách Australia, Pháp giảm khá nhiều.
“Thật ra, với một thành phố mỗi năm đón trên 3 triệu khách thì chưa là gì nếu so với các điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới. Vấn đề bây giờ là áp lực hạ tầng vì khách tập trung vào khu phố cổ nhiều, nên sắp tới phải thu hút khách ra bên ngoài; phải làm bãi xe, chỗ đón tiếp ngoài vùng ven rồi dùng xe điện trung chuyển khách vào phố cổ, phân luồng xe vào các giờ trong ngày, kết hợp nới rộng không gian phố đi bộ thì vẫn có thể đáp ứng được lượng khách tăng hơn nữa. Đặc biệt, sẽ tập trung phát triển hoàn thiện thêm một số điểm du lịch mới như Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm, các làng rau, làng nghề… nhằm giãn khách. Hiện một số doanh nghiệp đã sẵn sàng phương án đầu tư, chỉ vướng về mặt cơ chế vì không biết theo hình thức nào, giao đất, cho thuê đất hay công tư, nên thành phố cũng đang bàn tính tiếp”, ông Sơn cho biết.
Theo ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, quá trình phát triển bao giờ cũng có 2 mặt, bên cạnh cái được là phát huy giá trị tài nguyên để phục vụ cho phát triển, trùng tu di sản, cộng đồng có thu nhập, nâng cao mức sống người dân, thì tác động lên di sản là không tránh khỏi vì sức chứa của di sản luôn có giới hạn.
“Khách đông thì không gian di sản không còn yên tĩnh, sự phục vụ cũng không tốt, tài nguyên có nguy cơ cạn kiệt, rác thải, tiếng ồn… cũng nhiều hơn. Đây là câu chuyện được UNESCO thường xuyên khuyến cáo. Tất nhiên, bảo tồn là để phát triển, vì nếu bảo tồn không phát triển thì bảo tồn để làm gì, nhưng bảo tồn và phát triển phải giữ giá trị nguyên gốc. Nên việc phát triển du lịch dẫn đến những áp lực về môi trường là đương nhiên, vấn đề ở chỗ là giảm thiểu, nâng cao nhận thức và cách ứng xử trong doanh nghiệp, người dân và cả du khách đối với môi trường và các giá trị di sản như thế nào”, ông Cường nói.