Theo đó, Thủ công và Nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công. Nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như: hát bả trạo, hò khoan, hô hát bài chòi, thơ ca, hò vè… trở thành một phần đời sống tinh thần của người dân Hội An.
Gốm thủ công mỹ nghệ Thanh Hà là một lĩnh vực thủ công nổi tiếng của TP Hội An |
Đông đảo cư dân Hội An tham gia vào các hoạt động thủ công và nghệ thuật dân gian một cách chính thức hoặc không chính thức. Hội An hiện có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3.500 - 4.000USD/năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.
Gia nhập mạng lưới là điều kiện thuận lợi cho Hội An trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên tất cả các lĩnh vực văn hóa sáng tạo. Góp phần thu hút đầu tư, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa, sáng tạo, nhằm phát triển bền vững. Ngoài việc tiếp tục các hoạt động bảo tồn, phát huy lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, Hội An sẽ phải thực hiện các sáng kiến đã cam kết và các sáng kiến mang tính quốc tế.
Nghệ thuật hô hát bài chòi là một phần đời sống tinh thần của người dân Hội An |
Các nguồn lực, thế mạnh về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người Hội An cũng sẽ được phát huy tối đa, đúng hướng; là cơ sở để thành phố tập trung vào công tác giới thiệu hình ảnh địa phương và các chính sách bảo tồn, phát triển lĩnh vực văn hóa sâu rộng hơn.
Bên cạnh đó, Hội An còn có cơ hội huy động các nguồn lực, tri thức, sự sáng tạo để tập trung cho các hoạt động, thủ công, nghệ thuật dân gian và các lĩnh vực khác. Đồng thời, mở ra các cơ hội học tập, giáo dục và nhân rộng các mô hình sáng tạo, tạo tiền đề cho hoạt động khởi nghiệp.
Là thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hội An. Đồng thời, để thực hiện cam kết đối với mạng lưới, TP Hội An sẽ cụ thể hóa kế hoạch hành động thực hiện sáng kiến cũng như kết nối các chính sách của thành phố nhằm thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa sáng tạo có liên quan.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Qua quá trình thẩm định của ban thư ký và các thành phố thành viên về hồ sơ và các hoạt động thực tiễn của Hội An, ban thư ký đã công bố Hội An chính thức là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.