Đồng hành cùng thành phố
Nhạc sĩ Nguyễn Khánh Vinh chia sẻ: “Sau ngày đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật các vùng miền có điều kiện giao lưu, xuất hiện nhu cầu thưởng thức mới và các mảng âm nhạc mới, trong đó có phong trào ca khúc tuổi trẻ và ca khúc chính trị được công chúng đón nhận ở mọi nơi. Trong những năm tháng sôi động này, Hội Âm nhạc TPHCM ra đời năm 1981 với một ban chấp hành gồm các nhạc sĩ danh tiếng, có bề dày hoạt động âm nhạc và có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Diệp Minh Tuyền, Phạm Minh Tuấn, Quang Hải, Phan Huỳnh Điểu, Trần Kiết Tường, Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn… Hội là nơi tập hợp đội ngũ làm âm nhạc chuyên nghiệp cùng giao lưu, trao đổi, trau dồi kinh nghiệm nghiệp vụ và dần trở thành “mái nhà chung” của những người làm âm nhạc thành phố”.
Cũng ở giai đoạn này, hội đã hỗ trợ, tiếp sức để các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ trẻ xuất thân từ sinh viên, công nhân, hay thanh niên xung phong bay bổng cùng các ca khúc của các bậc cha anh, phản ánh được khí thế hừng hực của đất nước sau ngày giải phóng. Các ca khúc tuổi trẻ thời đó đã mang dáng dấp của nhạc pop-rock và lan nhanh trên cả nước, trong các buổi trình diễn tại các nhà máy, xí nghiệp, hay trong sinh hoạt cộng đồng, như: Ơi cuộc sống mến thương, Ngọn lửa trái tim, Như khúc tình ca của Nguyễn Ngọc Thiện; Hạt mưa long lanh, Em như tia nắng mặt trời của Nguyễn Đức Trung; Những lời em hát, Hãy đàn lên của Từ Huy; Mây trắng bay, Chiều biên giới của Nguyễn Văn Hiên…
Ngoài ra, những nhạc sĩ được đào tạo từ Nhạc viện Hà Nội hay ở nước ngoài về cũng hội nhập và bắt nhịp ngay với dòng nhạc nhẹ, như ca khúc: Thành phố trẻ, Tạm biệt chim én của Trần Tiến; Mặt trời Trị An, Giọt sương trên mí mắt của Thanh Tùng; Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân của Tôn Thất Lập; Đi qua vùng cỏ non của Trần Long Ẩn...
GS-TS-nhạc sĩ Thế Bảo nhận định: “Hội Âm nhạc TPHCM qua các nhiệm kỳ đã liên tục cải tiến hoạt động, đổi mới phương thức tổ chức, điển hình như việc thành lập 10 chi hội theo địa bàn và ngành nghề, từ sáng tác, lý luận - phê bình và đào tạo, biểu diễn thanh nhạc và hợp xướng, biểu diễn khí nhạc, khí nhạc dân tộc, tổ chức các lớp ngắn hạn cho hội viên trẻ... Qua 42 năm, lần lượt các thế hệ nhạc sĩ của hội đã đóng góp vào sự phát triển chung của văn học nghệ thuật thành phố. Thế hệ đi trước có Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Ca Lê Thuần, Phạm Trọng Cầu, Diệp Minh Tuyền, Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý, Tô Hải, Ngô Huỳnh, Trương Quang Lục. Các thế hệ nhạc sĩ đàn anh ghi dấu gồm Tôn Thất Lập, Phạm Minh Tuấn, Trần Long Ẩn, Vũ Thành… Lớp trẻ hôm nay có những cái tên đã trở nên quen thuộc như Hoài An, Quốc An, Nguyễn Quang Vinh, Đinh Quang Minh, Bảo Huy, Yên Lam, Vũ Quốc Việt, Vũ Công Minh, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Hồng Thuận, Lê Anh Tú, Đinh Hoàng Vũ, Xa Doãn Hồng Lợi, Ngô Duy Thanh…”.
Thành tựu và đổi mới
Tiếp bước các thành tựu của thế hệ đi trước, Hội Âm nhạc TPHCM đang đẩy mạnh việc phát huy vai trò và trách nhiệm của một hội nghề nghiệp bằng sự năng động áp dụng công nghệ vào công tác quảng bá tác phẩm trên đa dạng phương tiện thông tin, bước đầu đã có những hiệu ứng và hiệu quả tích cực. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, cho biết: “Hội Âm nhạc TPHCM đã thực hiện Thư viện Âm nhạc điện tử thiếu nhi với gần 400 bài hát, cho phép tải và sử dụng miễn phí trên kênh YouTube của hội. Tổ chức chương trình Nhạc cách mạng xuống phố, Âm nhạc xuống phố đi diễn trực tiếp ở các quận huyện phục vụ người dân. Hội tự đầu tư dàn dựng, ghi hình chương trình Âm nhạc tỏa sáng để phát trên các kênh truyền thông nhằm giúp đưa âm nhạc đến gần hơn với quần chúng nhân dân. Kết hợp với Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM thực hiện các chương trình Giới thiệu chân dung âm nhạc, Âm nhạc tỏa sáng radio…”.
Hội thảo “Hội Âm nhạc TPHCM - Dấu ấn những chặng đường” đã thu hút 17 tham luận và 6 ý kiến đóng góp, trong đó có nhiều tham luận có ý nghĩa lịch sử khi cung cấp các thông tin chi tiết về các phong trào âm nhạc đã ghi dấu ấn trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: Hát cho đồng bào tôi nghe, Phong trào văn nghệ lực lượng thanh niên xung phong, Phong trào văn nghệ Thành Đoàn… Ngoài ra, nhiều ý kiến, tham luận cũng đã nêu ra những mục tiêu cụ thể về sáng tác nhắm đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chuẩn bị cho việc biên tập sách lịch sử Hội Âm nhạc TPHCM; định hướng các hoạt động của ngành âm nhạc theo hướng công nghiệp văn hóa...
Bên cạnh đó, hội đã phối hợp Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn để đảm bảo quyền lợi của các hội viên. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, tiền tác quyền thu về cho các tác giả đã tăng hơn 70% so với năm trước, giúp các nhạc sĩ an tâm về kinh tế, nỗ lực sáng tạo các tác phẩm mới.
Tiếp tục việc đầu tư sản xuất các chương trình giới thiệu ca khúc mới, chú trọng chất lượng dàn dựng và áp dụng công nghệ để giới thiệu trên không gian mạng, phối hợp các đơn vị, các đài phát thanh, truyền hình của Trung ương, thành phố, các tỉnh thành bạn… nhằm giới thiệu, quảng bá tác phẩm của hội viên hiệu quả. Tổ chức các hội thảo âm nhạc chuyên ngành trong đó có hội thảo về các sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi. Phát huy chương trình “Uống nước nhớ nguồn” để thể hệ trẻ có dịp tri ân các thế hệ đi trước. Đặc biệt, việc đẩy mạnh phát triển các hoạt động ngành âm nhạc theo hướng công nghiệp văn hóa sẽ là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong nhiệm kỳ sau.
Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN HIÊN:
Hội đã góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức ca khúc trong nước của người dân
Từ những năm cuối thập niên 80, tại các sân khấu ca nhạc của thành phố, nhiều ca sĩ đua nhau hát những bài hải ngoại hoặc nhạc nước ngoài, thậm chí là nhạc cũ chưa cho phép, nhưng họ sửa vài từ để “qua mặt” các nhà quản lý. Sau khi Hội Âm nhạc TPHCM ra đời, 8 ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc TPHCM khóa II gồm các nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện và Nguyễn Văn Hiên đã thống nhất thành lập nhóm nhạc sĩ Những người bạn vào năm 1992 để tạo sân chơi sáng tác và biểu diễn âm nhạc Việt Nam phục vụ khán giả trẻ. Nhóm đã liên tục tổ chức cả ngàn đêm diễn, giới thiệu hàng trăm tác phẩm mới của các nhạc sĩ, tích cực góp phần quảng bá nhạc Việt. Cũng từ đó, các ca khúc nhạc Việt có điều kiện hoạt động rầm rộ, “chiếm sóng” trên thị trường tổ chức biểu diễn, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải trí của đông đảo khán giả yêu nhạc, tạo nên một giai đoạn khó quên của âm nhạc TPHCM.
NSƯT NGUYỄN THỊ QUỲNH LIÊN:
Khuyến khích và hỗ trợ nhạc sĩ trẻ sáng tác ca khúc cách mạng
Trong giai đoạn hội nhập, phong trào sáng tác ca khúc truyền thống cách mạng vẫn được Hội Âm nhạc TPHCM đặc biệt chú trọng và định hướng cho các nhạc sĩ trẻ thông qua những chuyến đi về nguồn kiếm tìm chất liệu, bồi đắp thêm nguồn cảm xúc. Từ đó, hàng loạt sáng tác mới của các nhạc sĩ hội viên đã ra đời, đáp ứng xu hướng thời đại và yêu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng đa dạng, phong phú của các tầng lớp công chúng. Chương trình Âm nhạc xuống phố đã góp phần làm cho các bài hát ấy được tiếp cận trực tiếp tới người nghe, lan tỏa và ngày càng có chỗ đứng nhất định trong đời sống văn hóa, trong đó có các bài hát: Hồn thiêng đất Việt, Giọng hò quê hương, Ghita lính đảo, Chỉ có thể là anh... (nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh); Tổ quốc gọi tên mình (Đinh Trung Cẩn); Tiếng đàn kìm (Khánh Vinh); Đội cận vệ A6 anh hùng, Vòng tay đồng đội, Thành phố từng ngày đổi mới (Nguyễn Đức Trung); Những bước chân lặng thầm (Hoài An); Những con rồng thành phố (Đinh Quang Minh)…