Học xa cũng phải học gần

Từ câu chuyện đau lòng trong vụ hỏa hoạn tại Hà Nội để thấy tầm quan trọng của bài học về những kỹ năng sống thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày như: thoát hiểm trong hỏa hoạn, chập điện, ngạt khói; bơi lội, hay nhận diện nguy hiểm khi du lịch một mình, nguy hiểm trên không gian mạng…
Lực lượng PCCC giải cứu người dân ở các chung cư cao tầng khi xảy ra sự cố hỏa hoạn
Lực lượng PCCC giải cứu người dân ở các chung cư cao tầng khi xảy ra sự cố hỏa hoạn

Tôi thuộc thế hệ 9X, chưa chạm mốc 30 tuổi nhưng cũng không quá trẻ để gọi là gen Z. Khoảng 3 năm trước, công ty tổ chức một cuộc thi bơi giữa các phòng làm việc với nhau. Đi một vòng công ty hết buổi chiều, sếp tôi gác luôn chuyện tổ chức thi thố, bởi hơn 100 con người nhưng chỉ có vài người biết bơi. “Tụi nhỏ giờ ngộ ha, công nghệ hay ngoại ngữ thì nó thi cái rụp, mà hỏi thi bơi đứa nào cũng lắc đầu”, câu nói của sếp khiến chúng tôi cũng thấy chột dạ. Việc đòi hỏi sự cầu kỳ, phức tạp về chuyên môn, hay ứng dụng công nghệ có khi chúng tôi làm nhanh, nhưng kỹ năng cơ bản như chuyện bơi, hoặc giữ mình không chìm khi xuống nước để có thể ứng phó với rủi ro thì gần như là trở ngại, trong khi đó lại là chuyện sinh tử.

Đợt lũ cách đây vài năm, hàng loạt đoàn thiện nguyện về dải đất miền Trung. Tấm lòng thì quý xiết bao, nhưng địa phương cũng phải liên tục cảnh báo, khi người tham gia công tác thiện nguyện đa phần là người trẻ, nước lũ còn dâng cao, mà khả năng bơi lội hay ứng phó tình huống dưới nước thì ít bạn xử lý được.

Lối sống thích một mình và xu hướng chọn nhà là các chung cư mini được nhiều bạn trẻ ưa thích, phù hợp với thu nhập và phổ biến ở những đô thị đất chật người đông. Nhưng khi hỏi đến tiêu chí lựa chọn, đứng đầu vẫn là không gian đẹp, vị trí thuận tiện, giá cả phải chăng…, còn nếu là nhà thuê thì phải đảm bảo tiêu chí tự do thiết kế lại không gian trong phòng. Yếu tố an toàn khi có sự cố cháy nổ cũng chỉ là câu hỏi nhanh, hoặc nếu có thiết bị cũng chỉ để yên tâm, chứ chuyện sử dụng chẳng mấy ai quan tâm.

Săn phụ kiện giá rẻ để trang trí phòng gần như là thói quen và công việc kiếm thêm thu nhập phụ cho Trương Thanh H. (25 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM), nhưng khi hỏi về độ an toàn của những món đồ phụ kiện trang trí sử dụng điện, cô bạn cũng chỉ cười trừ. Thanh H. kể: “Có lần tôi mua dây đèn màu để gắn dọc theo gương đứng, mở lâu đèn tỏa nhiệt nóng, lớp thảm viền quanh gương cháy, rồi dây đèn phát nổ. May mà nguồn điện trong phòng được lắp khá hiện đại, tự ngắt điện khi có sự cố, dây đèn màu công suất nhỏ và cũng có người trong phòng nên kịp thời dập lửa, mọi thứ vẫn an toàn và kiểm soát được, nhưng một phen hú vía”.

Câu chuyện như Thanh H. hẳn không xa lạ gì với bạn trẻ hiện đại, khi áp lực thành công, mong muốn phát triển bản thân, không ít người nuôi giấc mơ xa, rèn luyện những kỹ năng thật khó…, nhưng quên rằng chính những kỹ năng sống thật gần là điều cần phải có để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Tin cùng chuyên mục