Về vùng đất gắn liền chiến thắng Ba Gia (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), nơi ghi dấu ấn lịch sử cách mạng của cha ông, người dân luôn tự hào không chỉ về khí thế cách mạng mà còn về tinh thần hiếu học của vùng quê này. Thế nhưng, cuộc sống nhiều gia đình hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khiến con em họ đến trường trong điều kiện thiếu thốn đủ bề.
Gian nan đường đến trường
Tại phía Tây huyện Sơn Tịnh, đa số người dân sống bằng nghề nông như trồng lúa, bắp, mì và cây trồng ngắn ngày. Trong những năm qua, nghề nông ở địa phương gặp nhiều bấp bênh vì thời tiết khắc nghiệt, biến động bất thường. Cuộc sống khó khăn khiến con đường đến trường của học sinh nghèo lại nhọc nhằn hơn. “Sau khi sáp nhập một số xã có điều kiện kinh tế vào TP Quảng Ngãi, địa bàn phía Tây huyện Sơn Tịnh còn lại các xã thuần nông, đời sống kinh tế và dân trí thấp. Những khó khăn đó dẫn đến công tác giáo dục gặp nhiều hạn chế, bởi học sinh thiếu thốn phương tiện đến trường. Một số học sinh phải phụ gia đình mưu sinh, nên thời gian đầu tư cho học tập rất ít ỏi”, ông Võ Tấn Trung, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sơn Tịnh, trăn trở.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Lữ Xuân Ánh cũng cho biết: “Huyện Sơn Tịnh hiện còn khoảng 900 hộ nghèo và hơn 1.400 hộ cận nghèo. Với hàng ngàn hộ còn nghèo khó, cuộc sống thiếu thốn nên không thể cho con cái chiếc xe đạp để đến trường. Đối với học sinh nghèo cách xa điểm trường, chiếc xe đạp như là ước mơ và tài sản quý giá trên chặng đường đi tìm con chữ”. Chính vì điều đó, nên khi mỗi mùa hoa phượng chớm nở, học sinh vùng căn cứ cách mạng xưa lại mang khăn gói vào miền Nam cùng cha mẹ, bắt đầu mùa hè mưu sinh, tích cóp ít tiền nuôi mơ ước tậu được chiếc xe đạp đến trường mỗi ngày.
Xe đạp của lòng nhân ái
Thấu nỗi lòng của các em, nhiều mạnh thường quân, tổ chức xã hội từ thiện, doanh nghiệp… đã thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện. Tiêu biểu nhất là chương trình “Tiếp sức học sinh nghèo vượt khó đến trường” do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, phát động từ năm 2012 đến nay. Báo Công Lý (thuộc Tòa án nhân dân tối cao) là đơn vị đầu mối đã vận động các mạnh thường quân, các doanh nghiệp... với hàng ngàn chiếc xe đạp đã được trao đến tay học sinh nghèo vươn lên trong học tập. Tuần rồi, chương trình đến với vùng căn cứ kháng chiến cũ thuộc huyện Sơn Tịnh, trao 40 xe đạp trị giá gần 80 triệu đồng cho các em học sinh nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Kinh phí thực hiện chương trình do Ngân hàng Agribank khu vực miền Trung và Agribank tỉnh Quảng Ngãi tài trợ.
Nhận được quà trong đợt này, nhiều em thực sự vui mừng và xúc động. Em Nguyễn Huỳnh Bảo Trâm (học sinh Trường THCS Tịnh Giang) tâm sự: “Ba mẹ em đều làm phụ hồ và làm ruộng nên kinh tế khó khăn. Biết đường đi học của em xa, biết là em mơ ước có chiếc xe đạp đến trường, nhưng ba mẹ không thể mua được. Năm ngoái, mẹ hứa cố gắng mua xe cho em đi học, nhưng rồi ba bị ốm nặng nên số tiền ấy mẹ phải dùng mua thuốc cho ba. Hôm nay nhận được món quà là chiếc xe đạp từ các bác các chú tặng, em mừng lắm. Suốt đêm qua em không ngủ được, chỉ chờ đến sáng để tới đây. Em hứa sẽ luôn cố gắng học tập thật giỏi”.
Nữ sinh Nguyễn Thị Kiều Duyên (Trường THPT Ba Gia) nghẹn ngào nói: “Vào năm học mới, ngoài giờ đến trường, em phụ gia đình đi bắt cá, bắt ốc ở đồng ruộng. Đến mùa gặt, em giúp gia đình gặt lúa. Còn đến mùa hè, bạn thì xuống phố làm nhân viên bán quán cà phê, nhà hàng; có bạn lại theo cha mẹ vào TPHCM bán hủ tiếu, vé số và nhặt ve chai. Tất cả đều mong muốn có chút tiền mua sách vở, may áo trắng cho năm học mới. Chúng em chỉ mong có chiếc xe đạp cũ đã là may mắn, chứ chưa dám mơ đến chiếc xe đạp mới được tặng hôm nay”.
Nhìn gương mặt rạng ngời hạnh phúc của các em khi có được chiếc xe đạp mới, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Lữ Xuân Ánh cho rằng, giúp học sinh nghèo có được chiếc xe đạp để đến trường không chỉ là hoạt động từ thiện, tiếp sức các em trên đường học vấn, mà việc làm này còn thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với thế hệ mầm non tương lai của đất nước - là luôn chăm sóc, tạo điều kiện, động viên kịp thời, giúp các em có điều kiện học tốt, mai sau ra đời giúp ích cho xã hội.