Giáo viên phụ trách tiết học, thầy Phan Thanh An, Tổ Hóa học, Trường THPT Phú Nhuận cho biết, nhằm giúp học sinh có cơ hội hệ thống lại kiến thức, đồng thời vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, giờ học môn Hóa học được thiết kế theo hướng mở, tăng cường ứng dụng STEM.
Cụ thể, lớp học được chia thành 4 nhóm, lần lượt đại diện các nhóm báo cáo về quá trình nghiên cứu và làm sản phẩm của nhóm mình. Sau đó, các thành viên giới thiệu về sản phẩm tự chế của nhóm mình.
Thầy Phan Thanh An chia sẻ, quá trình nghiên cứu, thai nghén ý tưởng và lên kế hoạch thực hiện đã được học sinh chuẩn bị từ trước Tết Nguyên đán năm 2021.
Sau thời gian nghỉ tết, học sinh có 2 tuần tạm nghỉ học ở nhà do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khoản thời gian này, các em đã làm việc online, cùng lên ý tưởng, trao đổi, thảo luận nhóm thông qua công cụ giao tiếp trên mạng xã hội.
Ở mỗi giai đoạn nghiên cứu, các nhóm đều báo cáo tiến độ cho giáo viên để có sự trao đổi, tương tác hai chiều giữa người dạy và người học.
Đặng Cao Ngọc Mai, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Phú Nhuận cho biết, em thích những tiết học đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng thực tiễn. “Quá trình làm việc nhóm không chỉ giúp em và các bạn có thêm trải nghiệm mà còn có cả kỷ niệm, học cách phân tích, lập luận trước một vấn đề”, Ngọc Mai chia sẻ.
Học sinh này cũng cho biết, với phương pháp dạy học theo hướng đổi mới, các em có cơ hội thao tác trên máy tính nhiều hơn, tìm hiểu về các phần mềm, ứng dụng công nghệ.
Sau thời gian nghiên cứu, nhóm của Ngọc Mai đã thiết kế sản phẩm là giá đỡ laptop có phần đế cách nhiệt và cách điện, tạo an toàn cho người sử dụng.
Còn với Nguyễn Trọng Quí Dương, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Phú Nhuận, nhóm của em đã thiết kế lồng cầu quay số từ các ứng dụng của 2 vật liệu nhôm và sắt.
Quí Dương cho biết, trước đây em biết nhiều về các đặc tính của kim loại nhưng chưa chú ý nhiều đến việc vận dụng những đặc tính đó vào các sản phẩm sử dụng trong thực tế.
Học sinh này cho biết thêm, sau khi kết thúc tiết học, em và các thành viên trong nhóm sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm, giới thiệu cho bạn bè và thầy, cô giáo trong trường biết đến và sử dụng.
Ngoài ra, cũng từ ý tưởng của học sinh, các nhóm còn lại đã chế tạo máy rửa tay sát khuẩn theo 2 dạng cơ và cảm biến. Nhận xét về ý tưởng này, thầy Phan Thanh An cho biết, máy rửa tay theo dạng cơ (dùng chân đạp) có ưu điểm là không cần dùng điện, dễ dàng sử dụng ở mọi lứa tuổi.
Riêng với sản phẩm máy rửa tay cảm biến, người sử dụng không cần lực tác động, chỉ cần đưa tay vào vị trí quy định sẵn là dung dịch sát khuẩn sẽ được phun ra. Ưu điểm của sản phẩm này là gọn nhẹ, dễ sử dụng nhưng nhược điểm là cần phải có nguồn điện để sử dụng.
Trong quá trình thực hiện, nhiều học sinh cho biết các em gặp khó khăn là do hạn chế về kiến thức tin học, trong khi việc thiết kế ra sản phẩm có tính ứng dụng cao đòi hỏi học sinh phải phối hợp nhiều công cụ, phần mềm, đồng thời sử dụng kiến thức của nhiều môn học như Toán (tính toán, đo đạc sản phẩm), vật lý (gắn mạch điện, lựa chọn hình khối), mỹ thuật (tính thẩm mỹ của sản phẩm), hóa học…
Tuy nhiên, đây là một trong những phương pháp dạy học đổi mới theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó đẩy mạnh vai trò của các môn tích hợp, giúp học sinh tăng cường vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.