Tiết dạy có sự tham dự của gần 40 giáo viên đến từ tổ bộ môn Vật lý các trường THCS trên địa bàn quận 3 và các thầy, cô giáo là cán bộ quản lý, giáo viên mạng lưới của nhiều quận, huyện khác.
Học sinh được làm việc nhóm
Chia sẻ với chúng tôi, giáo viên đứng lớp giảng dạy là thầy Hồ Nguyên Phúc, Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết, để chuẩn bị cho tiết dạy theo định hướng đổi mới và sáng tạo, các giáo viên tổ bộ môn Vật lý đã ngồi lại bàn bạc, trao đổi, tìm ra những nội dung giảng dạy phù hợp nhưng vẫn phát huy được khả năng sáng tạo và năng lực tư duy của học sinh.
Kính thực tế ảo đem đến cho các em nhiều trải nghiệm thực tế mới mẻ
Với ý tưởng ban đầu là giúp học sinh được trải nghiệm thực tế các kiến thức liên môn Toán học, Vật lý, Công nghệ, Mỹ thuật, qua đó tự tay làm ra các đồ dùng trong gia đình có ứng dụng ánh sáng, tổ bộ môn đã tích hợp thêm nhiều nội dung khác như cho học sinh trải nghiệm thực tế ảo để hiểu một số hiện tượng trong tự nhiên (như nhật thực, nguyệt thực...), giúp học sinh thấy được giá trị, ý nghĩa, sự liên kết và ứng dụng thực tế của những kiến thức, kỹ năng đã được học trong chương trình nhằm giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong thực tế.
Cùng bàn bạc, lên ý tưởng thực hiện sản phẩm
Mở đầu tiết dạy, học sinh được xem một đoạn video clip về "hiệu ứng thần kỳ" của một tiết mục khiêu vũ trên nền kết hợp ánh sáng và bóng tối. Sau đó, qua hướng dẫn của giáo viên, các em được học các kiến thức về bóng tối, bóng nửa tối và sự truyền thẳng ánh sáng. Nhằm giúp học sinh có trải nghiệm thực tế, các em được tận mắt chứng kiến hiện tượng nhật thực thông qua kính thực tế ảo. Công cụ hỗ trợ này không chỉ giúp học sinh có trải nghiệm thực như đang đứng ngoài không gian quan sát một hiện tượng có trong thực tế mà còn giúp các em bổ sung thêm một số kiến thức khác về hệ mặt trời, hành tinh, vũ trụ...
Sau đó, từ các dụng cụ và thiết bị của phòng STEAM, học sinh được chia thành 6 nhóm, sử dụng những kiến thức vừa học được về ánh sáng và bóng tối để chế tạo ra đèn ngủ.
Vận dụng các dụng cụ sẵn có để chế tạo sản phẩm có khả năng phát sáng
Lý Ngọc Bảo Hân, học sinh lớp 7/1, Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: "Đây là lần đầu tiên con được trải nghiệm một tiết học có hình thức và nội dung rất mới. Ban đầu khi được thầy hướng dẫn, tụi con về nhà tự mày mò, nghiên cứu, kết hợp thêm với việc thảo luận cùng các bạn trong lớp khiến con rất tự tin trình bày sản phẩm tự tạo của mình. Nhưng khi vào tiết học, con được bổ sung nhiều kiến thức hơn qua việc thuyết minh sản phẩm, cùng các bạn tranh luận tìm ra những cách sáng tạo vật dụng gia đình mới mà trước nay chưa từng nghĩ đến".
Học sinh thích thú trải nghiệm phương pháp giảng dạy mới
Cùng suy nghĩ, Phan Xuân Phát, học sinh lớp 7/1 bày tỏ: "Những vật dụng hỗ trợ như mũi khoan, súng bắn keo, kéo, hồ dán với con trước nay không hề xa lạ. Nhưng chỉ khi bắt tay vào tạo sản phẩm con mới hiểu thêm nhiều công dụng của các đồ vật đó".
Phát khoe từ trước đến nay chưa từng mày mò làm bất kỳ sản phẩm nào trong thực tế nhưng sau khi được tham gia tiết học, em thật sự bị cuốn hút vào công dụng thần kỳ của những vật dụng có khả năng phát sáng. Trước mắt, em quyết định sẽ tự tay làm một ngôi nhà bằng gỗ có đèn phát sáng làm quà tặng mẹ trong dịp sinh nhật. Sau đó, với sự hướng dẫn của các thầy, cô trong lớp, cậu học trò nhỏ tự hứa sẽ có thêm nhiều khám phá trong thời gian tới, vận dụng những kiến thức đã học để tạo thêm nhiều vật dụng có ích trong cuộc sống.
Thiết kế bản vẽ là một trong những công đoạn đầu tiên chế tạo sản phẩm
Thầy Hồ Nguyên Phúc, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết, tiết học ngoài việc giúp học sinh liên hệ kiến thức nhiều môn học để tạo ra sản phẩm còn giúp các em rèn kỹ năng lập kế hoạch cho một dự án, có khả năng làm việc và thảo luận nhóm, cũng như thao tác với nhiều công cụ, vật dụng quen thuộc trong đời sống.
Một góc không gian lớp học theo hình thức giảng dạy mới
Tổ chức tiết dạy theo phương pháp giáo dục STEAM là một trong những thử nghiệm mới của Trường THCS Lê Quý Đôn. Tiết học bước đầu tạo được thích thú trong học sinh và được đánh giá là một trong những hình thức phát huy tính đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giảng dạy. Tuy nhiên về lâu dài, để nhân rộng hình thức giảng dạy này, cần thêm nhiều hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về thời lượng tổ chức, kinh phí thực hiện cũng như phân loại đối tượng học sinh để việc học trở nên hiệu quả.
Trình bày về những kiến thức mới được thu nhận tại lớp