Phụ thuộc tình hình thực tế
Sau 2 tuần trở lại học trực tiếp, những ngày qua, số học sinh phát hiện dương tính với Covid-19 có dấu hiệu tăng tại TPHCM. Qua khám sàng lọc, test nhanh, nhiều trường đã phát hiện học sinh nghi nhiễm Covid-19. Có trường, học sinh THCS (khối 7, 8, 9 đã tiêm vaccine) ghi nhận gần một nửa sĩ số trong một lớp nhiễm Covid-19. Do đã được tiêm vaccine, học sinh nhiễm được nhà trường báo với phụ huynh đón con về theo dõi, hướng dẫn chăm sóc, chữa trị, đến khi có kết quả âm tính thì quay lại trường học tiếp.
Hầu hết nhà trường có kênh trao đổi với phụ huynh trên mạng xã hội để thông tin kịp thời tình hình sức khỏe học sinh và thảo luận giải pháp học tập tốt nhất cho các em. Nếu lớp nào có nhiều học sinh nhiễm Covid-19, phụ huynh đề xuất cho con ở nhà và nhà trường tổ chức học trực tuyến để không bị mất bài học. Các lớp có học sinh nhiễm ít, nhà trường khoanh vùng, bảo vệ các học sinh trong lớp học trực tiếp.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, quy định chuyển đổi qua hình thức dạy học trực tuyến đối với F0 và F1 tiếp xúc gần là hướng dẫn chung trong toàn ngành đối với tình huống xuất hiện 1-2 ca F0 trong lớp học. Tuy nhiên, trường hợp xuất hiện cùng lúc nhiều ca thì tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị, nhà trường sẽ có biện pháp xử lý phù hợp như khoanh vùng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, chuyển đổi hình thức dạy học...
“Trường hợp xuất hiện chùm ca bệnh phức tạp, có khả năng lây nhiễm cao thì việc chuyển đổi hình thức dạy học được xem là cần thiết nhằm cắt đứt nhanh nhất nguồn lây nhiễm nếu có trong lớp học”, đại diện Sở GD-ĐT cho biết.
Theo đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay không quy định cứng tỷ lệ bao nhiêu học sinh nhiễm bệnh thì lớp học đó chuyển qua dạy học trực tuyến mà tùy theo tình hình dịch bệnh thực tế tại địa phương và cơ sở giáo dục. Khi có trường hợp xuất hiện chùm ca nhiễm trong lớp học thì nhà trường báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp quận, huyện và TP Thủ Đức để có khuyến nghị về mặt y tế, từ đó hiệu trưởng quyết định hình thức dạy học phù hợp.
Hiệu trưởng các trường đều cho biết, khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm, nhà trường báo ngay cho trạm/trung tâm y tế trên địa bàn trú đóng để nhận được hỗ trợ trong việc đánh giá tình hình, điều tra dịch tễ và chỉ định ứng phó đối với từng trường hợp. Tuy nhiên, trong thực tế, sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục và y tế địa phương hiện nay chưa “đều tay” ở các quận, huyện, một số trường hợp cơ sở giáo dục phải độc lập tác chiến khiến hiệu quả phòng chống dịch còn hạn chế.
Trang bị kiến thức phòng dịch
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, trẻ mắc Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ và phần lớn được điều trị tại nhà (chiếm 98%-99%), tỷ lệ tử vong cũng rất thấp. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng của trẻ nếu trẻ mắc bệnh.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ... cần được kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho rằng, khi phụ huynh phát hiện trẻ có triệu chứng tại nhà cần cho trẻ nghỉ học và báo ngay cho nhà trường và cơ quan y tế để xử trí. Trong trường hợp trẻ mắc Covid-19 tại trường học, cần chuyển ngay trẻ bệnh (F0) xuống phòng cách ly tạm thời của trường và thông báo ngay cho cơ sở y tế để cùng xử lý. Đối với lớp có học sinh F0, cho học sinh ngồi yên tại chỗ, tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế; tổ chức test kháng nguyên nhanh mẫu gộp cho toàn bộ lớp đó và khử khuẩn toàn bộ lớp học.
“Trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ thì nên được chăm sóc, điều trị tại nhà. Việc chăm sóc trẻ cần tuân theo hướng dẫn, tránh việc tự ý dùng thuốc. Người chăm sóc trẻ cần chú ý theo dõi các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế. Việc điều trị tại nhà ở trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ là chìa khóa nhằm giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và hạn chế tình trạng quá tải y tế không cần thiết”, bác sĩ Lê Hồng Nga nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, hiện ngành y tế và trường học đang phối hợp rất tốt trong việc hướng dẫn về việc xử lý F0 trong trường học. Thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố không quá căng thẳng như giữa năm 2021 nên không có chuyện nhân viên y tế quá tải và từ chối hỗ trợ trường học. Trường hợp các trạm y tế từ chối hoặc không phối hợp với các trường học trong việc xử lý F0 cần báo ngay về Sở Y tế để xác minh, xử lý. |