Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, nhiều năm qua, Hội thi “Văn hay chữ tốt” cấp thành phố được tổ chức với nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo, nhằm mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho học sinh, đặt ra những thử thách về tư duy và cảm xúc cho các công dân trẻ.
Năm nay, cuộc thi tiếp tục mang đến cho học sinh trải nghiệm mới lạ với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo với cầm, kì, thi, họa”.
Hành trình trải nghiệm của học sinh được dẫn dắt qua 4 phần, gồm: cầm (đàn hát), kì (chơi cờ), thi (làm thơ), họa (vẽ tranh).
Ở phần “cầm”, học sinh được nghe xem tiết mục văn nghệ “Thương ca tiếng Việt” - bài hát do nhạc sĩ Đức Trí sáng tác. Theo dòng cảm xúc đó, các em tiếp tục nghe bài hát với chủ đề về quê hương, đất nước được tạo từ trí tuệ nhân tạo.
Tiếp theo, học sinh được chứng kiến cuộc đấu trí giữa con người và Al trên bàn cờ. Kết quả, con người đã giành chiến thắng trên bàn cờ vây nhưng một kì thủ nổi tiếng lại thua Al ở môn cờ tướng.
Với trải nghiệm thứ ba, học sinh và trí tuệ nhân tạo cũng thử sức trước yêu cầu sáng tác thơ với nội dung xoay quanh 3 từ khóa là “tuổi trẻ”, “thơ ca” và “cuộc sống”.
Thử thách cuối cùng, các em được quan sát các bức tranh vẽ được tạo nên từ trí tuệ nhân tạo và tranh do chính học sinh sáng tác với chủ đề “Thành phố của tôi”.
Nguyễn Như Ngọc, học sinh lớp 9/2, Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12) bày tỏ: “Hoạt động trải nghiệm khiến em đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Em thấy các sáng tác của Al đều rất nhanh, đáp ứng tốt nội dung xoay quanh các từ khóa nhưng không mang lại nhiều cảm xúc cho người xem”.
Cùng suy nghĩ, Mai Minh Tiến, học sinh lớp 9/3, Trường THCS Nguyễn An Ninh (quận 12) cho rằng, trí tuệ nhân tạo là đối thủ khá nặng ký đối với khả năng tư duy của con người. Tuy nhiên, nếu Al mạnh về khả năng ứng biến, tốc độ thì yếu tố cảm xúc không thể bằng con người.
Với Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 9/5, Trường THCS Gò Vấp (quận Gò vấp), con người cần tôn trọng thành quả của trí tuệ nhân tạo nhưng điểm tựa sau cùng vẫn là tư duy và tâm hồn của mình. Học sinh này cho biết, các trải nghiệm giúp em nhận ra nên sử dụng thông minh chứ không lạm dụng Al.
Phan Nguyễn Nhật Hào, học sinh lớp 9/4, Trường THCS Hậu Giang (quận 6) nhận định, trong bối cảnh công nghệ đang phát triển vượt bậc, con người cần chủ động thích ứng nhưng không phải phụ thuộc. Em nói: “Cuộc thi mang đến nhiều trải nghiệm bổ ích, giúp em có cái nhìn nhân văn và đầy đủ hơn những đóng góp của trí tuệ nhân tạo. Theo em, nếu Al có lợi thế về trí thông minh, tính tiện ích thì con người cũng có những giá trị không thể thay thế như lòng trắc ẩn, khả năng thấu cảm, trái tim yêu thương”.
Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, trí tuệ nhân tạo (Al) hiện nay là ứng dụng rất phổ biến và gần gũi với học sinh, nhất là độ tuổi trung học.
“Rất nhiều tranh luận đã diễn ra như Al là bạn hay thù, làm thế nào để sử dụng Al hiệu quả. Từ đó, cuộc thi mong muốn mang đến cho học sinh góc nhìn nhẹ nhàng hơn, trong đó yếu tố con người và trí tuệ nhân tạo có sự cân bằng, tương hỗ trong bối cảnh xã hội nhiều thay đổi”, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.
Sau khi tham gia hoạt động trải nghiệm, học sinh được yêu cầu chọn một từ hoặc cụm từ nói về sự khác biệt giữa con người và trí tuệ nhân tạo, đồng thời diễn giải ngắn gọn về lựa chọn đó.
Cùng với đó, đề thi cho học sinh khối 6, 7 yêu cầu viết bài văn với nhan đề “Ngày hôm nay tôi biết…”, riêng học sinh khối 8, 9 thực hành viết bài văn nghị luận trả lời câu hỏi “Phải chăng trí tuệ nhân tạo cũng là một biểu hiện cho sức mạnh của con người?”.
Nhiều giáo viên ngữ văn cho biết, cách ra đề và tổ chức cuộc thi năm nay giúp học sinh phát huy tối đa khả năng tư duy và sáng tạo. Thông qua trải nghiệm thực tế, các em được tạo cơ hội nói lên suy nghĩ của mình, đồng thời nhận ra ý thức, trách nhiệm của một công dân trẻ trong việc đóng góp xây dựng đất nước.