Sân chơi bổ ích cho học sinh
Mở đầu hội thi, học sinh Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) đã mang đến hội thi không khí hào hùng của những ngày tháng chống giặc cứu nước.
Với tiết mục “Cánh chim bay về hướng mặt trời”, các bạn học sinh đã tái hiện cuộc đời của nhân vật lịch sử Kim Đồng, tên thật là Nông Văn Dền.
Vở diễn đan xen những lát cắt vui tươi, hồn nhiên thuở anh Kim Đồng còn nhỏ, ra đồng thả diều với bạn bè đến khi tai họa ập đến với gia đình, cha anh bị thực dân Pháp bắt.
Cảnh trong vở diễn “Cánh chim bay về hướng mặt trời” |
Bằng nhiều cách kể chuyện như thoại giữa các nhân vật, hát, múa tập thể, tái hiện hoạt cảnh trên sân khấu, tiết mục đã đem đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc từ yêu mến, đồng cảm đến chia sẻ với nhân vật.
Lưu Anh Huy, học sinh lớp 4/5, Trường Tiểu học Hồng Hà, người hóa thân thành nhân vật anh Kim Đồng cho biết, cảm xúc của em khi tham gia buổi biểu diễn là vừa hồi hộp xen lẫn vui sướng, tự hào.
“Nhờ tham gia tiết mục với các bạn, con tự tin hơn khi đứng trên sân khấu, vốn từ tiếng Anh cũng được mở rộng và yêu thích môn lịch sử hơn”, Anh Huy bày tỏ.
Mặc dù mất khá nhiều thời gian tập luyện nhưng việc hóa thân thành người giao liên dũng cảm giúp em hiểu hơn về truyền thống cách mạng đáng tự hào của dân tộc.
Học sinh hóa thân thành các nhân vật lịch sử qua tiết mục về cuộc đời anh Kim Đồng |
Chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng Anh, cậu trò nhỏ cho biết, chỉ cần chịu khó luyện tập cách phát âm, kết hợp học thông qua chơi bằng cách bắt chước cách phát âm của người nước ngoài qua các đoạn video clip trên youtube đã giúp em có đủ hành trang tự tin đứng trên sân khấu kể chuyện lịch sử bằng một ngôn ngữ nước ngoài.
Chia sẻ với PV Báo SGGP, bà Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) cho biết, thời gian đầu tập luyện, học sinh còn chưa quen nhưng quá trình tập luyện đã giúp các em “cảm” được vai diễn của mình.
Thông qua tiết mục biểu diễn, khả năng ngôn ngữ của học sinh tăng lên đáng kể. Sân chơi không chỉ giúp học sinh có thêm cơ hội trải nghiệm bộ môn tiếng Anh mà còn nâng cao các kỹ năng diễn kịch, hát múa và giao tiếp với người nước ngoài, góp phần phục vụ định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là phát huy năng lực, phẩm chất cho học sinh
Tiết mục được tập luyện trong một tháng, huy động sự tham gia của 87 học sinh các khối 3, 4, 5.
Chia sẻ về khó khăn trong quá trình chuẩn bị, cô Trần Dương Thùy Trang, giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học Hồng Hà cho biết, giáo viên tổ chức học sinh thành 3 đội là đội hát, đội kịch và đội múa. Trải qua các vòng lựa chọn diễn viên phù hợp cho từng vai diễn, luyện tập phát âm cho học sinh, giáo viên phải liên tục thay đổi kịch bản do một số từ vựng, phát âm chưa phù hợp với khả năng đọc lời thoại của trẻ, chú ý cách nhấn nhá, trọng âm trong tiếng Anh.
“Các con còn quá nhỏ, chưa hiểu thế nào là làm cách mạng, nỗi đau mất cha là như thế nào. Trẻ có thể lặp lại lời thoại theo hướng dẫn của người lớn nhưng quan trọng là làm sao giúp các con có được cảm xúc của nhân vật. Nhờ việc diễn đi diễn lại nhiều lần, học sinh không chỉ thấy yêu quý hơn nhân vật mà còn được mở rộng nhiều kiến thức về lịch sử”, cô Thùy Trang bày tỏ.
Các tiết mục được dàn dựng công phu từ âm nhạc, biên kịch đến lời thoại của các nhân vật |
Ở một tiết mục khác do học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng (quận Gò Vấp) thể hiện, bằng việc tái hiện hình ảnh Hai Bà Trưng, học sinh đã mang lại cho người xem những phút giây lắng đọng nhưng không kém phần kiên cường khi hai nữ tướng gác lại niềm riêng, quyết tâm ra trận chống giặc cứu nước.
Cô Đoàn Vũ Thanh Nhàn, Tổ trưởng tiếng Anh, Trường Tiểu học Chi Lăng cho biết, hoạt động giúp học sinh rèn kỹ năng hoạt động nhóm và sự kiên trì. Cuộc thi không chỉ mang ý nghĩa một sân chơi mà còn mang đến cho học sinh cơ hội học tập ngoại ngữ bằng hình thức mới lạ.
Tiết mục "Hai Bà Trưng" của học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng (quận Gò Vấp) |
Hồ Đắc Bảo Đạt, học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Chi Lăng - đóng vai người dẫn chuyện trong tiết mục nhạc kịch lịch sử cho biết: “Trước đây con chỉ thích học các môn tự nhiên, không thích môn Lịch sử nhưng nay được tiếp cận lịch sử bằng ngôn ngữ mới giúp con cảm thấy hứng thú, được học lịch sử thông qua bộ môn tiếng Anh, kiến thức được nhớ lâu hơn”.
Lồng ghép học ngoại ngữ và giáo dục truyền thống
Theo thầy Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, hoạt động tạo thêm sân chơi giúp học sinh ôn lại lịch sử truyền thống của dân tộc, đồng thời thể hiện năng lực sử dụng tiếng Anh trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế.
“Tôi cho rằng việc lồng ghép học ngoại ngữ với giáo dục truyền thống dân tộc là cách làm mới mẻ nhưng cần thiết, qua đó phát huy được vai trò của công tác xã hội hóa, sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Thanh bày tỏ.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho rằng, việc kể về lịch sử Việt Nam bằng hình thức sân khấu hóa góp phần củng cố kiến thức lịch sử cũng như nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh.
Hội thi không chỉ là một ngày hội, sân chơi lành mạnh cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố mà còn là cơ hội đề cao các nét đẹp văn hóa, lịch sử, các giá trị đạo đức, lòng yêu nước đáng tự hào của dân tộc. Qua đó, học sinh được bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào với dân tộc.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc phát biểu khai mạc hội thi |
Đây cũng là dịp để bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.
Trước đó, hội thi đã triển khai vòng thi cấp quận, huyện tại TP Thủ Đức và 21 quận, huyện với sự tham gia sôi nổi của 100% trường tiểu học trên địa bàn. Sau hội thi cấp cơ sở, mỗi quận, huyện chọn ra 2 tiết mục xuất sắc nhất để tham gia vòng thi cấp thành phố.
Hội thi cũng là cơ hội để các cán bộ quản lý và giáo viên đánh giá được các hoạt động giảng dạy tiếng Anh của đơn vị, đồng thời trao đổi, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường với nhau.