Linh hoạt phương pháp dạy học tích cực
Để minh họa cho kế hoạch bài giảng đối với dạng bài thực hành, cô Cao Thị Nguyệt, giáo viên môn Lịch sử - Địa lý (môn học mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018), Trường THCS Tân Bình, đã áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực như hoàn thành phiếu học tập cá nhân, trao đổi nhóm.
Đặc biệt, trong quá trình làm việc nhóm, ngoài việc "bắt cặp" tạo thành nhóm đôi với bạn cùng bàn, học sinh còn được di chuyển chỗ ngồi để tạo nhóm mới theo sơ đồ hướng dẫn của giáo viên.
"Đây là kỹ thuật dạy học lẩu băng chuyền. Khi thảo luận, học sinh sẽ di chuyển lùi về sau hoặc tiến lên trước một vị trí chỗ ngồi theo cùng dãy bàn, riêng học sinh ở đầu hàng sẽ bước qua bên phải hoặc trái theo cùng hướng di chuyển cả lớp để tạo thành các cặp đôi mới", cô Cao Thị Nguyệt chia sẻ.
Với mô hình tổ chức lớp học này, Trần Ngọc Kim Long, học sinh lớp 6A14, Trường THCS Tân Bình cho biết, mỗi lần di chuyển em được bắt cặp với một bạn mới nên vui và hứng thú hơn so với việc cố định chỗ ngồi khiến em chỉ làm việc nhóm với cùng một người.
Nhờ được kết thành cặp đôi mới, Kim Long được ngồi chung với bạn thân của mình là Trần Bùi Gia Bảo, trong khi bình thường hai em ngồi cách nhau do có chiều cao chênh lệch.
"Đổi chỗ ngồi giúp không khí lớp học đỡ nhàm chán. Em và bạn mới phải tìm cách phối hợp được với nhau vì điểm đánh giá là kết quả làm việc chung của 2 người", Kim Long bày tỏ.
Tận dụng phần mềm miễn phí
Theo cô Cao Thị Nguyệt, bộ môn Lịch sử - Địa lý cấp THCS theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không chỉ cung cấp lý thuyết về kiến thức khoa học mà còn trang bị cho các em nhiều kỹ năng đặc thù của môn học như kỹ năng đọc và phân tích bảng số liệu, kỹ năng tính toán, vẽ và phân tích biểu đồ, kỹ năng thu thập thông tin viết báo cáo...
Qua thực tế giảng dạy, giáo viên này nhận thấy, nhiều thầy cô đang sử dụng phương pháp giảng giải truyền thống đối với các bài dạy thực hành, hoặc cho học sinh tự tìm hiểu ở nhà.
Đặc biệt, khi triển khai chương trình mới, cơ quan quản lý yêu cầu một giáo viên đảm nhận cả 2 phân môn gồm Lịch sử và Địa lý. Do đó, giáo viên dạy học liên môn gặp rất nhiều khó khăn khi dạy các bài thực hành, nhất là giáo viên có chuyên môn Lịch sử phải dạy nội dung thực hành của phân môn Địa lý.
Trước thực tế đó, cô Cao Thị Nguyệt cho rằng, giáo viên cần tăng cường dự giờ, trao đổi chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.
Song song đó, để tiết học đạt hiệu quả tiếp nhận tốt nhất cho học sinh, theo cô Ngô Hà Quỳnh Trâm, chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, giáo viên có thể chủ động sử dụng một số phần mềm miễn phí như Quizizz, ClassDojo, Padlet, Canva... để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sinh động hóa bài giảng, nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức cho học sinh.
Đánh giá cao sự chủ động của giáo viên khi triển khai các phương pháp dạy học mới, ông Lê Thanh Long, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) bày tỏ, dạy học theo năng lực học sinh là một trong những thách thức đặt ra cho giáo viên khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Qua 3 năm triển khai, công tác dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, dạy học không còn bám sát sách giáo khoa mà đảm bảo mục tiêu cần đạt của chương trình.
Cùng với đó, các đề kiểm tra không còn cứng nhắc ở dạng câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn mà bắt đầu tăng cường thêm các dạng câu hỏi ngắn theo dạng điền khuyết, câu hỏi lựa chọn đúng - sai...
Tới đây, ngành giáo dục và đào tạo TPHCM sẽ tăng cường các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm giúp giáo viên có thêm cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng thực chất, phát huy toàn diện năng lực học sinh.