Làn gió mới từ âm nhạc dân tộc
Theo cô Đỗ Việt Quỳnh Anh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS Tân Bình, hiện một bộ phận đông đảo học sinh say mê các thể loại âm nhạc trẻ như hiphop, rap nhưng không quan tâm các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, tuồng...
Với mong muốn dung hòa tính hiện đại và truyền thống, qua đó giúp học sinh cảm nhận rõ nét hơn cái hay, mới lạ của các loại hình âm nhạc dân tộc, hai tổ bộ môn Ngữ văn và Âm nhạc đã chung tay thực hiện chuyên đề "Đưa âm nhạc dân tộc vào văn, thơ cấp THCS" nhằm tạo thêm sân chơi kéo gần học sinh với âm nhạc truyền thống, giáo dục các em biết trân trọng, yêu quý và bảo tồn di sản cha ông để lại.
Học sinh giơ tay đoán tên nhạc cụ dân tộc. |
Cô Quỳnh Anh cho biết, dự án được "thai nghén" từ đầu học kỳ 1 năm học 2022-2023. Qua gần 6 tháng chuẩn bị, hoạt động đã thu hút rất đông học sinh tham gia.
Mở đầu buổi sinh hoạt chuyên đề ở sân trường, học sinh được đọc và cảm nhận các đoạn trích trong các tác phẩm văn học miêu tả âm thanh của một loại nhạc cụ dân tộc. Sau đó, học sinh giơ tay đoán tên loại nhạc cụ đó.
Trương Thị Kiều My, học sinh lớp 9/6 cho biết, trước đây em không tìm hiểu sâu về các loại nhạc cụ dân tộc nhưng khi kết hợp với các tác phẩm văn học giúp em có cái nhìn gần gũi hơn, cảm thấy âm nhạc dân tộc không đến nỗi quá khó cảm thụ.
Ở hoạt động thứ hai là thi đọc rap trên nền nhạc dân tộc, học sinh được yêu cầu đọc một bài thơ hoặc ca dao trong chương trình học chính khóa theo giai điệu rap trên nền âm nhạc dân tộc. Những tiếng "ồ, à", những tràng vỗ tay liên tục vang lên khắp sân trường trước khả năng biến hóa của các bạn học sinh.
Hai học sinh khối 9 thử tài đọc rap trên nền nhạc dân tộc. |
Nguyễn Phúc Nguyên Khang, học sinh lớp 6/12 bày tỏ: "Con chưa bao giờ đọc rap trên nền nhạc dân tộc. Thử thách đọc bài thơ "Việt Nam quê hương ta" của nhà văn Nguyễn Đình Thi với sự hỗ trợ của các loại nhạc cụ dân tộc đối với con vừa lạ lẫm nhưng cũng đầy hứng thú".
Trò chơi giúp học sinh có những giây phút thư giãn, giải trí với những trận cười giòn tan, không chỉ tạo cơ hội cho các em thể hiện dòng nhạc sở thích của giới trẻ mà còn thổi làn gió mới lạ vào âm nhạc dân tộc.
Với hoạt động "The Masked Singer Tân Bình", học sinh và giáo viên đóng vai các ca sĩ giấu mặt, biểu diễn các trích đoạn âm nhạc dân tộc để các bạn ở dưới lắng nghe và đoán tên nhân vật.
Một trong 4 "ca sĩ giấu mặt" tham gia tranh tài tại cuộc thi "The Masked Singer Tân Bình" |
Lần lượt 4 nhân vật giấu mặt biểu diễn tài năng theo 4 bộ môn nghệ thuật khác nhau là cải lương, tuồng cổ, chèo và ca trù, khán giả giơ tay đoán tên nhân vật được nhắc đến trong lời bài hát. Nhân vật nào được đoán đúng tên sẽ bị loại cho đến khi còn 1 nhận vật cuối cùng.
Đặc biệt, nhằm lan tỏa các bộ môn nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với học sinh, Lê Xuân Hoàng, học sinh lớp 9/2 cho biết, em và các bạn đã thành lập một fanpge với tên gọi "Đưa âm nhạc dân tộc vào tác phẩm văn học" để chia sẻ rộng rãi với học sinh và giáo viên toàn trường các hoạt động tìm hiểu, giúp các bạn học sinh cảm nhận cụ thể hơn về âm nhạc dân tộc.
Dạy học phát huy năng lực học sinh
Trao đổi với PV Báo SGGP, cô Lê Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Bình cho biết, dạy học theo chương trình cũ trước đây tiếp cận theo hướng nội dung nhưng nay đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực học sinh, tạo điều kiện cho học sinh vận dụng kiến thức áp dụng thực tiễn cuộc sống để phát huy năng lực, phẩm chất vốn có của học sinh.
Bộ môn ca trù trở nên gần gũi hơn với học sinh |
Ở góc độ khác, cô Đỗ Việt Quỳnh Anh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn nhận định, trong lần đầu tiên tiếp xúc với âm nhạc dân tộc, học sinh có thể chưa cảm nhận hết cái hay và ý nghĩa của các bộ môn nghệ thuật. Do đó, các em cần thêm thời gian để tìm hiểu thêm, cảm nhận rõ hơn dưới sự hướng dẫn của giáo viên 2 bộ môn Ngữ văn và Âm nhạc.
Học sinh nhận diện nhân vật văn học qua làn điệu mang âm hưởng dân tộc |
Riêng với bộ môn Ngữ văn, lần đầu tiên học sinh được xem tái hiện các nhân vật lịch sử và văn học theo hình thức nghe-nhìn, qua đó nhận diện các nhân vật văn học. Thông qua đó, kiến thức văn học không còn khô cứng qua sách vở hay câu hỏi gợi mở của giáo viên mà bằng làn điệu âm nhạc.
Tới đây, trong các tiết học trên lớp, giáo viên bộ môn sẽ tiếp tục triển khai phương pháp tiếp cận văn học qua các thiết bị nghe nhìn và phương tiện dạy học hiện đại giúp việc học văn trở nên nhẹ nhàng, giảm áp lực học tập cho học sinh.