Theo đó, kỳ thi kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học 2021-2022 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 10 đến ngày 22-1-2022. Như vậy, so với kế hoạch thời gian năm học do UBND TPHCM ban hành vào đầu năm học (học kỳ 1 diễn ra từ ngày 6-9-2021 đến 15-1-2022, học kỳ 2 bắt đầu từ ngày 17-1-2022 đến 28-5-2022), học kỳ 2 sẽ bắt đầu muộn hơn 1 tuần.
Theo quy định của Sở GD-ĐT TPHCM, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên khi mở cửa hoạt động trở lại, trường ở địa bàn cấp độ 1 triển khai dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần. Thời lượng dạy học còn lại (ngoài 30 tiết học trực tiếp) của kế hoạch giáo dục nhà trường, các trường sẽ thực hiện trên Internet.
Đối với trường ở địa bàn cấp độ 2, dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần, thời lượng học trực tiếp ưu tiên cho thực hiện chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng tập trung khắc phục khó khăn, hạn chế của dạy học qua Internet.
Riêng đối với học sinh ba khối 6, 9 và 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần.
Đối với trường ở địa bàn cấp độ 3, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần. Riêng đối với học sinh ba khối 6, 9 và 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 18 tiết/tuần.
Các trường THCS, THPT ở vùng dịch cấp độ 3 sẽ không tổ chức các chương trình nhà trường và dạy học 2 buổi/ngày.
Đối với trường ở địa bàn cấp độ 4, các trường thực hiện tất cả hoạt động dạy học theo chương trình chính khóa trên môi trường Internet, không tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh.
Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, những học sinh còn đang ở tỉnh chưa về được thành phố, học sinh đang trong khu vực cách ly, phong tỏa, học sinh có bệnh lý nền (có xác nhận của bác sĩ) sẽ tạm thời chưa tham gia học tập trực tiếp.
Những học sinh này sẽ được nhà trường tổ chức hướng dẫn dạy học qua Internet, qua truyền hình và các phương tiện khác.
Hiện nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường THCS, THPT chủ yếu tổ chức dạy học trên Internet trong học kỳ 1 nên khi tổ chức cho học sinh trở lại trường học trực tiếp cần có sự rà soát, đánh giá hiệu quả của tổ chức dạy học trực tuyến, đồng thời tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi bắt đầu dạy học trực tiếp trở lại.