Đây là một trong những hoạt động tổ chức hàng năm tại đơn vị nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, qua đó tạo điều kiện cho các em tự tìm hiểu và mở rộng tri thức, phát triển các kỹ năng, phẩm chất và năng lực tự học.
Theo cô Phạm Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ, hoạt động sân khấu hóa hướng đến mục tiêu tích hợp, lồng ghép nội dung kiến thức nhiều môn học như giáo dục công dân, mỹ thuật, âm nhạc, lịch sử, địa lý…
Bằng hình thức sân khấu hóa, không gian lớp học được mở rộng, học sinh có cơ hội khám phá và học hỏi kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm như diễn kịch, hát, múa…
Buổi biểu diễn bắt đầu bằng tiết mục múa “Dòng máu Lạc hồng” của tập thể học sinh lớp 6/11. Thông qua ngôn ngữ múa, các em muốn chuyển tải đến học sinh toàn trường thông điệp về lòng tự hào dân tộc, luôn đoàn kết, yêu thương nhau.
Sân khấu “nóng” dần lên với hoạt cảnh “Thầy bói xem voi” của các bạn học sinh khối 6.
Nguyễn Nhật Trường, học sinh lớp 6/9, một trong những diễn viên đóng vai thầy bói cho biết, em và các bạn trong nhóm đã tập luyện trong vòng 2 tuần.
Từ khâu viết kịch bản, tập thoại đến diễn thử, các em đều thường xuyên trao đổi, đóng góp ý kiến để vở diễn hoàn thiện hơn. Nhật Trường chia sẻ, đây là lần đầu tiên em tham gia một tiết mục biểu diễn trước toàn trường nên có phần hồi hộp. Tuy nhiên, nhờ sự tung hứng khá ăn ý giữa các thành viên trong nhóm nên ai cũng lăn xả hết mình, khóc cười cùng nhân vật.
Hoạt cảnh “Thầy bói xem voi” khép lại bằng những tiếng cười thấm thía, những tràng vỗ tay không ngớt từ phía khán giả - những anh, chị khối 8, 9 vốn đã biết và nghe kể nhiều lần câu chuyện “Thầy bói xem voi” nhưng xem xong hoạt cảnh vẫn có nhiều dư vị thấm thía.
Chia tay 5 thầy bói vui tính, học sinh toàn trường được thả hồn theo các làn điệu dân ca thông qua tiết mục hát “Quê hương 3 miền” do học sinh lớp 7/12 thể hiện.
Đặc biệt, với tiết mục múa hát “Dời đô ngàn năm vang mãi” của 2 lớp 8/1 và 8/11, học sinh Nguyễn Duy Thông, người đóng vai vua Lý Công Uẩn cho biết, tiết mục có ý tưởng ban đầu từ tác phẩm “Chiếu dời đô” trong chương trình môn Ngữ văn và bài học Lịch sử về quá trình thành lập đời nhà Lý của môn Lịch sử lớp 7.
Để thể hiện tốt thần thái của một quân vương, Duy Thông đã tự lên mạng tìm hiểu nhiều kiến thức lịch sử, hiểu rõ những công trạng, cuộc đời của vị vua có công khai lập nhà Lý.
Trao đổi với PV Báo SGGP, cô Nguyễn Thị Phượng Linh, Tổ trưởng Ngữ văn, Trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết, các tiết mục biểu diễn có nội dung xuyên suốt chiều dài lịch sử văn học từ trung đại đến hiện đại.
Trong đó, lần lượt các nhân vật lịch sử và văn học được tái hiện thông qua các tiết mục biểu diễn của học sinh như vua Lý Công Uẩn, chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, hình ảnh những người lính qua các bài thơ “Đồng chí” (nhà thơ Chính Hữu), “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (nhà thơ Phạm Tiến Duật)…
Buổi biểu diễn khép lại bằng tiết mục kết hợp múa, hát và hoạt cảnh “Tiếng hát những đêm không ngủ”, huy động sự tham gia của hơn 120 học sinh, tái hiện không khí hào hùng của học sinh, sinh viên miền Nam ào ạt xuống đường những năm chống Mỹ.
Nguyễn Hoàng Thạch Thảo, học sinh lớp 9/11, Trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết, đây là lần thứ 4 em được tham gia hoạt động sân khấu hóa. Mỗi năm học, nhà trường sẽ có một chủ đề tổ chức khác nhau nhưng lần nào cũng đem lại cho em nhiều cảm xúc khó tả.