Học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học: Quản lý linh hoạt, hiệu quả

Xung quanh đề xuất cấm học sinh sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong trường học, hiện có nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà giáo, phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, việc học sinh sử dụng ĐTDĐ trong trường học cần được quản lý một cách linh hoạt để ngăn ngừa ảnh hưởng xấu đối với kết quả học tập của học sinh.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia như Bỉ, Tây Ban Nha, Anh, Pháp đã quyết định cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh (ĐTTM) cũng như các thiết bị thông minh khác trong trường học. Ở Việt Nam, việc cấm học sinh sử dụng ĐTTM trong trường học đã được quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15-9-2020 của Bộ GD-ĐT. Theo đó, học sinh không được sử dụng ĐTDĐ, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Nguyên nhân của việc cấm học sinh sử dụng các thiết bị điện tử thông minh trong trường học là vì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động không tích cực của việc sử dụng các loại thiết bị này đối với trẻ em nói chung, học sinh nói riêng.

B4a.jpg
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) sử dụng điện thoại di động phục vụ hoạt động học tập theo hướng dẫn của giáo viên. Ảnh: THU TÂM

Trước hết, việc sử dụng các thiết bị điện tử tác động đến thành tích học tập của học sinh. Trong thời đại số hóa như hiện nay, các thiết bị công nghệ thông minh gần như là những phương tiện không thể thiếu trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục. Tuy nhiên, sự tác động của các thiết bị công nghệ hiện đại không phải lúc nào cũng tích cực.

Kết quả một nghiên cứu tại Anh năm 2015 do hai tác giả Beland và Murphy thực hiện cho thấy, việc sử dụng các thiết bị thông minh có tác động đến thành tích học tập của học sinh, và việc cấm sử dụng ĐTTM trong trường học đã cải thiện kết quả học tập của học sinh lên 6,41%, đồng thời cải thiện thành tích học tập của những học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn là 14,23%.

Theo báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu của UNESCO năm 2023, kết quả từ công trình nghiên cứu tại 14 quốc gia cho thấy, ĐTDĐ khiến học sinh mất tập trung vào việc học, và có thể mất đến 20 phút để tập trung lại vào những gì đang học sau khi bị phân tâm vì sử dụng thiết bị này.

B1h.jpg
Học sinh sử dụng điện thoại di động tra cứu kết quả sau kỳ thi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bên cạnh tác động đến việc học, việc sử dụng ĐTTM còn gây ra những tác hại không tốt đến sức khỏe tâm thần của học sinh. Điều này được thể hiện qua công trình nghiên cứu tại Hàn Quốc do Jeong và cộng sự thực hiện năm 2016. Theo đó, những học sinh sử dụng ĐTTM để truy cập các dịch vụ xã hội, chơi trò chơi và sử dụng công cụ giải trí rất dễ bị nghiện ĐTTM, khiến các em sống phụ thuộc vào thiết bị này; khi bị tách khỏi ĐTTM, các em rơi vào cảm xúc buồn chán, cảm thấy bị bỏ lại phía sau, không theo kịp bạn bè. Một nghiên cứu khác tại Mỹ được thực hiện vào năm 2015 cho thấy, có hơn phân nửa số bạn trẻ được hỏi cho biết họ không thể sống thiếu ĐTTM, 15% cho biết họ phụ thuộc rất mạnh mẽ vào ĐTTM.

Việc sử dụng ĐTTM quá nhiều cũng dẫn đến hệ quả là các tương tác xã hội thật của học sinh bị giảm sút, trong khi việc sống chung với người khác là một trong những mục tiêu giáo dục hết sức cần thiết cho học sinh. Đồng thời, việc sử dụng ĐTTM quá nhiều sẽ dẫn đến cái nhìn thiên lệch về thực tại đời sống xã hội, khi có thể khiến các em đồng hóa thế giới trên không gian mạng xã hội với thế giới thực bên ngoài.

Ngoài ra, việc sử dụng ĐTTM để truy cập vào các trang mạng xã hội cũng có nguy cơ làm gia tăng các hành vi lệch chuẩn nơi người dùng, nhất là ở độ tuổi học sinh và thanh thiếu niên, bởi các phương tiện truyền thông xã hội có thể thôi thúc việc thực hiện các hành vi lệch lạc thông qua việc truyền bá và phổ biến các thông tin sai lệch, dễ phát sinh những “anh hùng bàn phím” mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trên các trang mạng hiện nay.

Vì thế, để các em học sinh có thể tập trung vào việc học, có đời sống tinh thần lành mạnh, hạn chế những tiêu cực từ truyền thông xã hội thì việc cấm, hạn chế các em sử dụng ĐTTM, máy tính bảng là điều cần thực hiện một cách quyết liệt trong thời gian tới.

Không cấm nhưng quản lý linh hoạt

Tác hại của việc sử dụng ĐTDĐ trong lớp học đã quá rõ, không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi học tập mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, việc cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ như 10 năm trước là có phần hơi khắt khe. Một điều hiển nhiên là giáo viên không thể cho phép học sinh sử dụng ĐTDĐ để làm việc riêng trong giờ học, tuy nhiên cấm học sinh không mang ĐTDĐ đến trường là việc còn nhiều bất cập.

Thứ nhất, phụ huynh cho con mang ĐTDĐ đến trường vì nhu cầu thực tế. Nhiều phụ huynh không có thời gian đưa rước con nên học sinh cần có ĐTDĐ để đặt xe ôm công nghệ. Chưa kể, nhiều học sinh có lịch học thêm, học năng khiếu sau giờ học ở trường, nên việc mang theo ĐTDĐ sẽ giúp phụ huynh an tâm hơn khi biết được tình hình học tập, ăn uống, nghỉ ngơi… của con.

Thứ hai, ĐTDĐ có thể là một công cụ hữu ích để học sinh thực hiện các nhiệm vụ, bài tập trong tiết học có sự quản lý chặt chẽ của giáo viên. Đơn cử, môn tôi dạy học là Ngữ văn, không ít hoạt động trong lớp, tôi cho phép học sinh sử dụng ĐTDĐ để tìm kiếm và chọn lọc thông tin, tham gia trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, tham gia các trò chơi giáo dục do giáo viên thiết kế, đóng góp ý kiến để xây dựng bài học… Ở các môn về khoa học và công nghệ, việc dạy học bằng vật dụng gắn liền với sinh hoạt hàng ngày mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đưa tri thức các em được học đến gần hơn với những vấn đề trong thực tế cần dùng tri thức để giải quyết.

Để quản lý việc học sinh sử dụng ĐTDĐ một cách hiệu quả, tôi xin chia sẻ cách thức mà Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) đã hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm thực hiện. Nhà trường yêu cầu mỗi lớp có một ngăn tủ riêng để cất giữ ĐTDĐ. Ngăn tủ đó có thể là ngăn bàn được gắn khóa cẩn thận. Đầu buổi học, các học sinh có mang ĐTDĐ sẽ nộp ĐTDĐ vào ngăn tủ, chìa khóa của tủ do lớp trưởng và giáo viên chủ nhiệm giữ. Sau khi kết thúc buổi học, các em sẽ được nhận lại điện thoại.

Riêng đối với cá nhân tôi, trong những tiết học có yêu cầu học sinh sử dụng ĐTDĐ, tôi sẽ báo và xin phép giáo viên chủ nhiệm ít nhất trước 1 ngày để giáo viên chủ nhiệm có thể thông báo đến học sinh, phụ huynh. Việc học sinh dùng ĐTDĐ chỉ được diễn ra trong tiết học mà tôi đã xin phép giáo viên chủ nhiệm. Sau khi hết tiết, các em phải cất lại ĐTDĐ trong tủ vào giữa giờ. Tuy nhiên, không phải giờ học nào tôi cũng yêu cầu tất cả học sinh dùng ĐTDĐ. Ở một số tiết học, mỗi nhóm học sinh chỉ được yêu cầu sử dụng 1 ĐTDĐ có kết nối mạng internet để thực hiện nhiệm vụ bài học. Như vậy, việc quản lý và cho phép học sinh sử dụng ĐTDĐ trong giờ học có thể được giáo viên linh hoạt triển khai, phù hợp với nội dung, mục tiêu cần đạt của bài học.

VÕ KIM BẢO, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM)

Lợi bất cập hại

Nhà tôi có hai mẹ con. Hàng ngày, tôi đi làm từ sáng sớm. Bắt đầu từ năm con học lớp 9, tôi mua ĐTDĐ để hai mẹ con thuận tiện liên lạc, trao đổi thông tin. Thế nhưng, chưa đến 2 tháng, giáo viên chủ nhiệm thông báo với tôi là con tôi không tập trung trong giờ học, để ĐTDĐ dưới hộc bàn và mở mạng xã hội, tham gia các nhóm trò chuyện (chat), nhiều lần bị giáo viên nhắc nhở nhưng vẫn tái phạm. Tháng 11-2023, tôi đi làm về thì không thấy con ở nhà, gọi điện thì con không nghe máy. Tôi liền đến trường tìm nhưng không thấy con. Tôi vội vàng chạy lên phường trình báo. Đến 22 giờ đêm, tôi nhận được điện thoại của Công an phường Tây Thạnh, quận Tân Phú mời lên giải quyết vì con tôi tham gia tụ tập, bàn kế hoạch cho một vụ đánh nhau. Đến tháng 3-2024 (học kỳ 2 năm lớp 9), con tôi tiếp tục bị công an phường tạm giữ vì lỗi đánh bạn. Sau khi về nhà, tôi kiểm tra ĐTDĐ của con thì phát hiện có một nhóm bạn nhắn tin, trò chuyện về các loại thuốc lá, bạn bè rủ nhau lập kế hoạch “xử” một thành viên mà cả nhóm có hiềm khích... Hậu quả là kết quả học tập năm lớp 9 của con tôi bị giảm rất nhiều.

Năm nay con tôi lên lớp 10, tôi tịch thu luôn ĐTDĐ, khi cần liên hệ tôi sẽ thông qua giáo viên chủ nhiệm. Không thể phủ nhận những tiện ích mà ĐTDĐ mang lại, nhưng nếu không sử dụng tốt sẽ lợi bất cập hại.

HUỲNH THỊ HUỆ MINH, phụ huynh ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM

THU TÂM - THANH HÙNG ghi

ThS LÊ MINH TIẾN

Giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM

Tin cùng chuyên mục