Yêu thích và đam mê là chìa khóa thành công
Hiệu trưởng TDC cho rằng, rời mái trường với tấm bằng tốt nghiệp trong tay các em sẽ tiếp cận với một cánh cửa mới với tương lai sáng lạn nhưng cũng nhiều khó khăn, thử thách, nhất là môi trường làm việc tại doanh nghiệp khác hẳn với trường lớp, nơi các em được thầy cô đào tạo, dìu dắt.
Ở môi trường mới, các em hãy biết yêu thích và đam mê nghề nghiệp vì chính điều này sẽ tạo động lực để theo đuổi ước mơ, tạo nên thành công sau này. Các em ra trường, rời xa vòng tay thầy cô nhưng hãy tạo sự gắn kết, duy trì tình bạn, tình thầy trò, vì đây chính là giá trị của mái trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức mà hàng chục ngàn học trò cùng các thế hệ thầy cô xây dựng. Vị hiệu trưởng cũng nhắc nhở cựu sinh viên cần phải có trách nhiệm với cộng đồng, biết đem sức trẻ, trí tuệ để làm những việc có ích cho xã hội và luôn vững vàng ý chí, nghị lực nuôi dưỡng ước mơ.
Hiệu trưởng TDC cũng nhận định, chỉ với yêu thích và đam mê với ngành nghề đã chọn mới giúp bản thân mỗi người đi đến cùng công việc mình đã chọn vượt qua thử thách và đem lại thành công dù học trường nào hay bất cứ ngành nghề gì. Em Võ Bạch Tường Vi (quê Tiền Giang, cựu sinh viên Khoa tiếng Anh Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức) là 1 trong 8 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa của TDC bày tỏ sự may mắn khi chọn học tại trường vì khi chập chững bước vào giảng đường đã nhận được sự quan tâm, định hướng của thầy cô, đặc biệt là vai trò truyền cảm hứng, động lực của giảng viên đã giúp các bạn sinh viên kiên trì với mục tiêu mà mình đã chọn, trong đó nhiều bạn đã đi làm có thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng mỗi tháng ngay khi còn là sinh viên năm 2 với vai trò là nhân viên chính thức, được tạo điều kiện làm việc thời gian linh động.
Kết quả đào tạo ấn tượng
Báo cáo tại lễ khai giảng năm học 2018-2019, bà Phạm Ngọc Tường, Phó Hiệu trưởng TDC cho biết, tính đến tháng 8-2018 nhà trường đã tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên theo đúng quy chế đào tạo với tỷ lệ: xuất sắc 0,74%, giỏi 14,42%, khá 21,57%, còn lại là mức trung bình khá và khá.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho thấy có 30% nhân sự là cựu sinh viên TDC đáp ứng được phần lớn công việc, trong khi đó về kỹ năng, thái độ và kiến thức chuyên môn có 100% đáp ứng trung bình công việc (từ mức khá trở lên chiếm 8%).
Trường cũng đã lựa chọn 6 ngành nghề trọng điểm để đầu tư đạt chuẩn khu vực và quốc tế, bao gồm: CNTT, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông, Công nghệ kỹ thuật ô tô và Kế toán.
Kể từ năm học 2018-2019, TDC đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH chọn là 1 trong 4 trường cao đẳng trên cả nước tham gia thí điểm đánh giá theo tiêu chuẩn chất lượng của Vương Quốc Anh, bao gồm các hoạt động tự đánh giá, lập và thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng sau hoạt động thí điểm và chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ quá trình tham gia với các cơ sở giáo dục khác. Các hoạt động hợp tác doanh nghiệp, mở rộng kết nối đào tạo với các trường, các tổ chức giáo dục nước ngoài sẽ là điều kiện tốt để TDC tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hoạt động đào tạo và nâng tầm với các cơ sở giáo dục tiên tiến trong khu vực.
Để đạt được kết quả đào tạo ấn tượng như trên, thời gian qua TDC đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong và ngoài nước. Tính đến nay, TDC đã ký kết với 122 doanh nghiệp, đưa hàng ngàn sinh viên tham gia “học kỳ doanh nghiệp”, đặc biệt, việc triển khai mô hình “đào tạo kép” với ngành Truyền thông và mạng máy tính” sẽ mở ra cơ hội thực tập tại doanh nghiệp với thời lượng nhiều hơn để sinh viên có điều kiện học trên máy móc hiện đại, rèn luyện tay nghề.
Bên cạnh đó, việc hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế từ các quốc gia như Pháp, Đức, Anh, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản... cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, cập nhật chương trình đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa nhu cầu của doanh nghiệp và việc đào tạo tại trường.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM khẳng định sự phát triển ngành của TDC đúng với định hướng phát triển nguồn nhân lực của TPHCM, chất lượng đào tạo ngày càng tiệm cận với nhu cầu của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Dẫn chứng câu chuyện khảo sát trực tiếp chất lượng nguồn nhân lực của lãnh đạo Sở với đại diện tập đoàn Intel Việt Nam (Khu Công nghệ cao, quận 9, TPHCM), doanh nghiệp này đã đánh giá cao chất lượng nhân sự tốt nghiệp từ TDC, qua đó ông Nguyễn Văn Lâm đã biểu dương những kết quả mà trường này đã đạt được đồng thời đề nghị TDC tiếp tục chú trọng đào tạo tiếng Anh cho sinh viên để tăng khả năng có việc làm với thu nhập tốt, nhất là tại các doanh nghiệp FDI.