Việc ứng phó với rủi ro thiên tai trong đó có sóng thần nên được lồng ghép vào chương trình giảng dạy của các trường học ở tất cả các cấp tại những xã ven biển của các tỉnh miền Trung.
Tình huống giả định là: Vào sáng ngày 2-11, trường THCS Thái Phiên (Quảng Nam) nhận được thông tin cảnh báo động đất và sóng thần thông qua hệ thống cảnh báo thiên tai đa mục tiêu. Theo đó, có 1 trận động đất mạnh 8,0 độ Ritcher tại rãnh đứt gãy Manila (Philippines), nơi xảy ra tâm chấn ở độ sâu 15km, cách bờ biển nước ta khoảng 1.200km
Sẽ xuất hiện các đợt sóng lớn và có khả năng gây ra sóng thần tấn công vào bờ biển tỉnh Quảng Nam trong thời gian từ 1 đến 2 giờ sau khi thông tin cảnh báo được phát đi. Vị trí của trường sẽ hứng chịu trực tiếp các đợt sóng thần này.
Kết thúc diễn tập cơ chế sẽ chuyển sang diễn tập sơ tán học sinh, giáo viên, trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy của nhà trường và vật chất khác của giáo viên, nhà trường đến địa điểm an toàn trước khi những đợt sóng thần đầu tiên xuất hiện ở khu vực bờ biển gần trường.
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc - UNDP, Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu tác động bởi thiên tai, trong đó các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, lũ quét và sạt lở đất xảy ra thường xuyên và gây thiệt hại nghiêm trọng nhất.
Trong vòng hai thập kỷ qua, trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam làm chết và mất tích gần 300 người. Để chủ động ứng phó nguy cơ xảy ra sóng thần, Việt Nam từng bước đầu tư xây dựng các trạm cảnh báo thiên tai đa mục tiêu (trong đó có cảnh báo sóng thần). Đến nay, Việt Nam hoàn thành xây lắp các trạm này tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.