Báo cáo tại hội nghị, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện Luật Giáo dục 2019 và triển khai Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT (ngày 26-12-2018) của Bộ GD-ĐT về Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 đối với lớp 1.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2020 - 2021, toàn thành phố có 554 trường tiểu học (tất cả loại hình) với 652.684 học sinh. Trong đó, 534 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (tỉ lệ 94,6%). Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày đạt 75,8% toàn bậc học, riêng với lớp 1 có 82,6% học sinh được học 2 buổi/ngày.
Đại diện Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) nhận định, đây là năm học “đặc biệt” trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi các trường phát huy thế mạnh dạy học trực tuyến.
Hiện nay, CT GDPT 2018 ở cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Do đó, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là một trong những thách thức đối với một số quận, huyện trên địa bàn TPHCM do khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân, tỉ lệ dân số cơ học tăng cao. Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục.
Bên cạnh đó, kinh phí để tổ chức tập trung bồi dưỡng đại trà cho giáo viên về CT GDPT 2018 gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học/hoạt động giáo dục chưa có hành lang pháp lý đầy đủ.
Đánh giá kết quả thực hiện sau một năm học thực hiện CT GDPT 2018, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, chất lượng học sinh lớp 1 có sự tiến bộ rõ rệt về năng lực và phẩm chất so với chương trình cũ, thể hiện ở khả năng tự chủ, giao tiếp, hợp tác, ngôn ngữ, tư duy, biết chủ động thảo luận nhóm khi gặp các yêu cầu khó, làm chủ được kiến thức, có cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức đã học.
Đặc biệt trong môn Tiếng Việt, học sinh đọc và viết thành thạo hơn so với chương trình cũ. Riêng môn Hoạt động trải nghiệm đã hình thành cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, khám phá tối đa thế mạnh của bản thân mình.
Tuy nhiên, sở cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng học sinh chưa theo kịp chương trình, khó đọc, khó viết, làm tính sai và phải kiểm tra lại. Sở GD-ĐT TPHCM đã yêu cầu các Phòng GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục xây dựng kế hoạch phụ đạo và có giải pháp cụ thể đối với từng học sinh, không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau” vì hỏng kiến thức.
Tới đây, nhằm tiếp tục triển khai CT GDPT 2018, đại diện Phòng Giáo dục tiểu học kiến nghị Bộ GD-ĐT có hướng dẫn bằng văn bản, làm cơ sở pháp lý xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, cần xác định môn tự chọn ở cấp tiểu học là khoản thu thỏa thuận, xác định bán trú là khâu dịch vụ trong trường học để thực hiện xã hội hóa.
Riêng đối với kinh phí tổ chức tập trung bồi dưỡng đại trà cho giáo viên toàn TPHCM về CT GDPT 2018, Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính cần có hướng dẫn dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm căn cứ pháp lý để các địa phương cấp bổ sung kinh phí cho cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên.
Ở góc độ trường học, bà Phan Thị Châu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp) nêu ý kiến, công tác tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức thực hiện CT GDPT 2018.
Trong quá trình thực hiện, nhà trường thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh phương pháp dạy của giáo viên để phụ huynh nắm và hướng dẫn học sinh ôn bài, củng cố lại kiến thức khi ở nhà, tránh gây áp lực cho học sinh.
Đối với học sinh khả năng tiếp thu còn chậm, ngoài việc dành thời gian nhiều hơn cho các em và giao bài vừa sức ở trên lớp, giáo viên thường xuyên trao đổi với phụ huynh vào cuối giờ khi phụ huynh đến lớp đón con.
Cũng tại hội nghị, ông Mai Phương Liên, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM) thông tin thêm, TPHCM đang xây dựng đề án hỗ trợ giáo dục tiểu học. Trong đó, khó khăn của các trường khi không thu học phí buổi 2 sẽ được tháo gỡ.
Tới đây, nhằm tiếp tục thực hiện cuốn chiếu CT GDPT 2018, các quận, huyện cần tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình, trong đó xác định cụ thể nhu cầu phòng học trong những năm tiếp theo chứ không chỉ riêng với lớp 1.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, kết quả sau năm đầu thực hiện CT GDPT 2018 cho thấy chất lượng giáo dục cao hơn năm học trước. Chương trình giúp phát triển năng lực và phẩm chất người học, tức không chỉ dạy học sinh biết đọc, biết viết mà còn phải đọc đúng cách, viết đúng cách và hiểu sâu kiến thức.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các phòng GD-ĐT tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học và thiết bị chuyên dùng để sớm điều chỉnh kế hoạch mua sắm cho phù hợp. Phòng GD-ĐT phải chủ đạo và chủ động trong việc tham mưu UBND quận, huyện trong việc bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh.