Cuộc thi nhằm tuyển chọn ra những học sinh xuất sắc nhất tiếp tục tham dự Cuộc thi “Văn hay chữ tốt” cấp thành phố do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Báo SGGP tổ chức.
Năm nay, cuộc thi được tổ chức theo hình thức học tập trải nghiệm tại Công viên văn hóa Đầm Sen.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phan Văn Quang, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình cho biết, Cuộc thi “Văn hay chữ tốt” được tổ chức hàng năm không chỉ nhằm tuyển chọn những học sinh viết văn hay, viết chữ đẹp mà còn là cơ hội cho học sinh học tập trải nghiệm, rèn kỹ năng quan sát, cảm nhận, tăng cường kỹ năng giao lưu, học hỏi, qua đó giúp học sinh vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn cuộc sống.
Qua quá trình viết văn hay và rèn chữ đẹp, học sinh được hình thành năng lực văn chương (năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ, năng lực tư duy) và những phẩm chất tốt đẹp (biết trân trọng cái đẹp, có đời sống tinh thần phong phú, nuôi dưỡng tâm hồn và lối sống nhân ái, rèn tính kiên trì, nhẫn nại).
Đối tượng tham gia dự thi là tất cả học sinh các khối 6, 7, 8, 9 đang theo học tại các trường THCS trên địa bàn quận. Trải qua vòng thi cấp trường, diễn ra từ ngày 16-9 đến ngày 24-9, 78 thí sinh xuất sắc nhất tiếp tục tham gia vòng thi cấp quận.
Với chủ đề “Vui học để trải nghiệm”, học sinh được tham quan vườn rau thủy canh, giới thiệu phương pháp trồng rau không dùng đất mà bằng dung dịch dinh dưỡng, sau đó được hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn như cấy cây con vào rọ, đưa cây con lên giàn thủy canh, thực hành đo nồng độ dinh dưỡng và cuối cùng là thu hoạch rau thành phẩm.
Hào hứng tham gia hoạt động trải nghiệm, Nguyễn Trúc Quỳnh, học sinh lớp 7A5, Trường THCS Âu Lạc cho biết, chủ đề “trồng rau thủy canh” tuy “không mới nhưng vẫn lạ” đối với nhiều học sinh. Sau khi được hướng dẫn quy trình trồng rau thủy canh, trong đó gồm nhiều công đoạn như xử lý đất, trồng cây, đo độ PH, tưới nước, hướng dẫn cách chăm sóc cây, em càng thêm quý trọng công sức của những người lao động.
Buổi trải nghiệm cũng là cơ hội giúp Trúc Quỳnh hiểu hơn về lợi ích của việc sử dụng thực phẩm sạch, qua đó rèn thói quen ăn uống khoa học.
Bên cạnh hoạt động trải nghiệm tại vườn rau, học sinh còn được tham quan, tương tác trực tiếp với nhiều loại động vật tại vườn chim thú như: hươu cao cổ, đà điểu, khỉ, voi, hà mã…
Bảo Hân, học sinh lớp 8/4, Trường THCS Quang Trung bày tỏ, dù mang tâm thế là một thí sinh đang tham gia một cuộc thi nhưng chính cách tổ chức mới lạ, học sinh được tham quan, trải nghiệm thực tế đã giúp em không còn áp lực.
"Em đi thi mà giống như được đi chơi”, nhờ đó cảm xúc và suy nghĩ đến một cách tự nhiên chứ không bị gò bó trong khuôn khổ" - Bảo Hân nói.
Riêng với Trần Linh Chi, học sinh lớp 7/2, Trường THCS Phạm Ngọc Thạch, cuộc thi sẽ là một trong những kỷ niệm đẹp đối với em trong những ngày tháng học trò. “Em được trực tiếp pha chế dung dịch trồng cây, chạm tay vào những con thú, cho hươu cao cổ ăn và trên hết là được mang sản phẩm rau sạch do chính tay mình thu hoạch về. Những kiến thức được học trên lớp về cây cỏ, hệ động thực vật, kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường không còn khô cứng trong sách vở mà hiện ra thực tế trước mắt”, Linh Chi chia sẻ.
Sau khi tham quan, trải nghiệm, học sinh khối 6, 7 bước vào 90 phút làm bài thi chính thức với yêu cầu “Qua quá trình quan sát, lắng nghe, cảm nhận khi tham gia các hoạt động trải nghiệm, em hãy viết bài văn với nhan đề “Vui học trải nghiệm”, riêng học sinh khối 8, 9 thực hiện bài văn với nhan đề “Trưởng thành từ những trải nghiệm”.
Dự kiến, kết quả cuộc thi sẽ được công bố vào ngày 12-10. Những thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba cấp quận sẽ tiếp tục tham gia vòng thi cấp thành phố.