Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, đây là năm thứ hai trường tổ chức hoạt động trải nghiệm "Một ngày làm giáo viên" dành cho tất cả học sinh ở 3 khối lớp 10, 11 và 12. Năm ngoái, đã có 189 tiết học được các "giáo viên nhí" truyền tải đến học sinh.
"Tôi rất vui khi biết được năm nay số lượng học sinh đăng ký tham gia nhiều hơn; có 202 tiết dạy trải đều ở tất cả môn học từ Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học đến các môn ít được các em quan tâm hơn như Giáo dục công dân, Tin học, Công nghệ", thầy Phú cho biết.
Tham gia hoạt động trải nghiệm, học sinh ngoài việc có thể đóng vai một người giáo viên thực thụ, khoác lên mình những bộ trang phục như áo dài, quần tây, áo sơ mi, thay đổi cách xưng hô từ "mình - các bạn" thành "tôi - các em", các em còn có cơ hội hiểu được những khó khăn, vất vả của nghề giáo.
Em Trần Nguyễn Ngọc Diệp, học sinh lớp 12A8 cho biết: "Dù đã chuẩn bị bài giảng rất kỹ ở nhà nhưng khi trực tiếp giảng dạy trên lớp, em vẫn không kiểm soát được về mặt thời gian khiến bài giảng không trọn vẹn. Chưa kể có đứng 45 phút trên bục giảng em mới hiểu được vô vàn cực khổ của các thầy, cô giáo như phải nói liên tục, khát nước không thể uống, đứng mỏi chân nhưng vẫn phải cố làm chủ bục giảng".
Trần Nguyễn Ngọc Diệp, học sinh lớp 12A8 với bài dạy "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"
Đối với em Trần Tường Vy, học sinh lớp 11A7, khó khăn lớn nhất đối với em là kiến thức thì có sẵn nhưng em không biết dạy cái nào trước, cái nào sau, phải diễn đạt làm sao cho các bạn thật dễ hiểu. Vy cho biết để chuẩn bị bài giảng trong vòng 40-45 phút, em phải mất hơn 5 ngày chuẩn bị, từ tìm kiếm tư liệu, soạn giáo án đến lên ý tưởng tổ chức các hoạt động sẽ diễn ra trên lớp.
Còn đối với Lâm Nhựt Phúc, học sinh lớp 12A3 với tiết dạy môn Ngữ văn, bài "Thực hành về hàm ý", dù đã tập nói trước ở nhà nhưng thỉnh thoảng em vẫn mắc lỗi nói lắp khi đứng lớp.
Lâm Nhựt Phúc, học sinh lớp 12A3 với bài dạy "Thực hành về hàm ý"
Chia sẻ về ý nghĩa của hoạt động này, thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết thông qua việc trải nghiệm, các em học sinh sẽ hiểu và thương giáo viên của mình nhiều hơn. Từ đó, bản thân mỗi bạn sẽ có những sự điều chỉnh về thái độ, hành vi, tác phong của mình đối với các thầy, cô giáo, góp phần xây dựng lối ứng xử tốt đẹp trong nhà trường văn hóa. Đồng thời, trường cũng hi vọng sẽ thổi lên ngọn lửa đam mê, chắp thêm đôi cánh cho các bạn ước mơ theo nghề giáo.
Trải nghiệm "Một ngày làm giáo viên" sẽ chắp thêm đôi cánh cho các em học sinh theo đuổi nghề sư phạm
Ở góc độ giáo viên hướng dẫn, đồng thời là người nhận xét, hoàn thiện bài giảng cho học sinh, cô Nguyễn Thị Huệ, Tổ phó Văn của trường cho biết, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn thêm về mặt phương pháp, giúp các em truyền tải tốt nhất nội dung bài giảng đến các bạn chứ không can thiệp nhiều về mặt tư duy, tạo cơ hội cho học sinh phát huy tối đa tính sáng tạo, làm chủ công việc mình đang đảm nhận.
Riêng với cô giáo Trần Thị Nụ, giáo viên dạy Sử khối 10 và 11, hoạt động trải nghiệm “Một ngày làm giáo viên” giúp bồi đắp hơn tinh thần tôn sư trọng đạo. Theo cô, học sinh không chỉ được cung cấp thêm nhiều kiến thức bổ ích mà còn biết cách liên hệ, vận dụng thực tế, xây dựng tư tưởng, tình cảm đúng mực của một người học sinh.