
Điểm nhấn của sự kiện là lễ ra mắt khu “Vườn thảo dược bảo vệ loài gấu” ngay trong khuôn viên nhà trường - một mô hình độc đáo vừa mang ý nghĩa sinh thái vừa là biểu tượng của sự gắn kết giữa nhà trường, cơ quan kiểm lâm và tổ chức bảo tồn quốc tế.

Khu vườn rộng 120m2 không chỉ là nơi trồng các cây thuốc có thể thay thế mật gấu trong Đông y (như huyết dụ, nghệ, quế) mà còn được tô điểm bởi những dấu chân gấu đầy màu sắc do chính học sinh thiết kế và chăm sóc, thể hiện tinh thần đồng hành cùng thiên nhiên.


Không chỉ trồng cây, các em còn được tham gia chuỗi hoạt động sáng tạo như nhảy flashmob, thi “Rung chuông vàng”, hùng biện tiếng Anh và vẽ tranh tuyên truyền về bảo vệ gấu.

“Chúng tôi không chỉ trồng một khu vườn, mà đang gieo những hạt giống tri thức và lòng nhân ái”, bà Heidi Quine, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam phát biểu và kỳ vọng khu vườn này, là biểu tượng của trách nhiệm và tình yêu thiên nhiên, sẽ lớn lên cùng các em.


Theo ông Bùi Huy Khôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, mô hình “Vườn thảo dược bảo vệ gấu” cho thấy hiệu quả tích cực trong giáo dục học sinh về bảo tồn: “Từ những hành động nhỏ như trồng cây, nói không với sản phẩm từ động vật hoang dã, các em đang thực sự trở thành những chiến sĩ sống xanh”.

Từ năm 2016 đến nay, Tổ chức Động vật châu Á và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã cùng phối hợp trong nhiều chương trình cứu hộ gấu và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Mô hình giáo dục gắn liền với hành động cụ thể như vườn thảo dược tại trường học đang dần chứng minh sức lan tỏa của giáo dục môi trường.