Điều đáng nói là năm 2020, các đội tuyển của Việt Nam bước vào kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đặc biệt trong lịch sử nhiều năm của các kỳ thi này. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên thế giới, Ban tổ chức các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế quyết định tổ chức theo hình thức thi trực tuyến, quốc gia nào thi tại quốc gia đó. Mặc dù bị tác động của dịch Covid-19, Việt Nam vẫn chuẩn bị đầy đủ, nghiêm túc, tổ chức thi theo đúng quy định của Ban tổ chức, các thí sinh dự thi được quản lý, theo dõi trực tuyến qua hệ thống camera với chế độ thời gian thực của Ban Tổ chức các kỳ thi Olympic quốc tế 2020.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, từ năm 2016 đến nay, đã có 174 lượt học sinh Việt Nam được cử đi dự thi các môn văn hóa tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Kết quả, các em học sinh Việt Nam đã đoạt được 170 Huy chương và Bằng khen, trong đó 54 Huy chương Vàng, 68 Huy chương Bạc, 40 Huy chương Đồng và 8 Bằng khen quốc tế, tăng gấp đôi số Huy chương Vàng so với giai đoạn 2011-2015.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao năm 2020, toàn ngành giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020.
Đặc biệt, năm 2020 đại dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, các đoàn học sinh Việt Nam vẫn tham dự kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế theo hình thức trực tuyến và đều đạt thành tích đặc biệt xuất sắc. Kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của các em học sinh, các thầy cô giáo; sự quan tâm, chăm lo và động viên, khích lệ kịp thời của các bậc phụ huynh và các tổ chức, đoàn thể đối với các em trong suốt quá trình học tập. Đây cũng là kết quả từ sự đổi mới của ngành giáo dục trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển quốc gia Việt Nam tham gia các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.
Thủ tướng cho rằng, nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện được mục tiêu này, GD-ĐT phải có sự phát triển đột phá, chuyển biến mạnh hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.
Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục tập trung khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT để đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có kiến thức và kỹ năng vững vàng, khả năng sáng tạo, làm chủ bản thân để lập nghiệp; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. “GD-ĐT có vai trò to lớn đối với sự phát triển và hưng thịnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Không có kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt nào về xã hội diễn ra mà không gắn với cải cách, đổi mới về GD-ĐT. Muốn đất nước phát triển nhanh và bền vững thì GD-ĐT phải là nền tảng, là động lực then chốt”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nhắn nhủ các em học sinh rằng, thành tích mà các em đạt được hôm nay là một cột mốc quan trọng, vô cùng đáng quý và đáng tự hào. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước khởi đầu đầy ý nghĩa trên hành trình tiếp cận khoa học và cuộc sống của mỗi người. Trách nhiệm của các em là sử dụng thời gian quý giá của tuổi trẻ, tiếp tục nỗ lực phấn đấu với những niềm đam mê cháy bỏng mới để hoàn thiện bản thân, theo đuổi sự nghiệp mà mình yêu thích để sau này trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân giỏi.