Học sinh được "mách nước" cách ứng phó với bạo lực học đường

Sáng 14-4, gần 600 học sinh và phụ huynh Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) đã tham dự buổi tư vấn tâm lý với chủ đề “Phòng tránh bạo lực học đường – Xây dựng môi trường học tập an toàn” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty Phương Nam tổ chức

c122afb5679cd4c28d8d.jpg
TS Tô Nhi A đặt câu hỏi cho học sinh về những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường

Tại chương trình, TS Tô Nhi A – giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM, chuyên gia tâm lý học ứng dụng – đã đặt câu hỏi: “Những nguyên nhân nào dẫn đến bạo lực học đường?” Câu hỏi này nhận được nhiều phản hồi từ học sinh như: bị hiểu lầm, nói xấu, ganh tị vì học giỏi, bị chế giễu ngoại hình… Thậm chí có em cho rằng chỉ đơn giản là “thích thì đánh”, “nhìn thấy ghét nên đánh”.

TS Tô Nhi A cảnh báo: “Nhiều phụ huynh nghĩ con mình hiền lành, học giỏi nên sẽ không bị bắt nạt. Nhưng thực tế, bất kỳ học sinh nào cũng có thể trở thành nạn nhân, kể cả vô tình bị kéo vào xung đột không liên quan”.

f9d51d1ed63765693c26.jpg
Học sinh lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia

TS Tô Nhi A cho rằng có hai nguyên nhân chính khiến học sinh dễ vướng vào bạo lực học đường:

Thứ nhất, thay đổi tâm sinh lý tuổi mới lớn khiến các em dễ kích động, khó kiểm soát hành vi;

Thứ hai, hạn chế trong giao tiếp với phụ huynh khiến các em không có nơi trút bỏ tâm trạng tiêu cực, dễ dẫn đến hành xử bạo lực.

Giải pháp được đưa ra là khuyến khích học sinh tìm đến người đáng tin cậy để chia sẻ, chọn bạn tích cực, tham gia hoạt động ngoại khóa và thể thao nhằm duy trì tinh thần lạc quan.

319f9d005529e677bf38.jpg
Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM Đào Lê Tâm An chia sẻ về bắt nạt trực tuyến

Cũng tại chương trình, nghiên cứu sinh Đào Lê Tâm An (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) cảnh báo tình trạng bắt nạt trên mạng xã hội đang gia tăng mà nhiều học sinh không ý thức được. Các hành vi như mạo danh, phát tán thông tin xấu, phỉ báng, tẩy chay… đều là hình thức bắt nạt trực tuyến. Đáng lo là hơn 42% thủ phạm là người lạ, khiến việc can thiệp rất khó khăn.

Trả lời câu hỏi của phụ huynh về việc có nên đối chất với giáo viên hoặc phụ huynh của học sinh bắt nạt con mình, TS Tô Nhi A nhấn mạnh: “Bước đầu tiên là lắng nghe con, cùng con phân tích tình huống và tìm giải pháp. Tránh nóng vội vì có thể khiến mâu thuẫn leo thang.”

Tin cùng chuyên mục