Cũng như các trường THPT khác, công tác phân luồng và giáo dục hướng nghiệp cho học sinh dân tộc là một trong những biện pháp để giúp các em có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Công tác này đã được triển khai có hiệu quả ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Bình Phước.
Từ năm lớp 11, học sinh được cung cấp, cập nhật những thông tin về nguồn nhân lực chung của cả nước, khu vực và tỉnh; những ngành nghề xã hội đang có nhu cầu để giúp học sinh sớm có định hướng nghề nghiệp. Cũng trong năm học này, 100% học sinh được dạy nghề trồng nấm và được cấp chứng chỉ nghề. Năm học 2017 - 2018 là năm thứ ba liên tiếp trường tổ chức dạy nghề trồng nấm bào ngư cho học sinh lớp 11.
Ngoài việc lập kế hoạch, biên soạn đề cương ôn tập kỳ thi THPT quốc gia theo hướng dẫn và mẫu đề thi của Bộ GD-ĐT thì các tổ bộ môn của trường còn chủ động phân luồng học sinh lớp 12 để có những biện pháp ôn tập phù hợp với từng đối tượng, trong đó đặc biệt chú ý đến các em có học lực yếu kém.
Năm học vừa qua là năm thứ 6 liên tục trường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%, nhưng quan trọng hơn, các em sau tốt nghiệp đã có sự chọn lựa ngành nghề phù hợp. 60% các em học tiếp lên đại học, cao đẳng (năm trước đó là 54%), còn lại học trung cấp nghề hoặc về quê tham gia vào lực lượng cán bộ xã. Trong số các em đậu vào đại học có em đậu vào trường y, quân đội hoặc công an (các trường có điểm đầu vào rất cao) đã góp phần làm tăng thêm uy tín cho trường.
Nói về nhiệm vụ năm học 2017 - 2018, thầy Dương Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Bình Phước cho biết: Năm học này trường tập trung vào 3 hướng công tác chính là đổi mới nội dung, phương thức đánh giá học sinh phù hợp với từng đối tượng, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập, rèn luyện của học sinh; nâng cao chất lượng và hiệu quả phụ đạo, chú trọng lấp lỗ hổng kiến thức học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh khá; ôn tập, củng cố nâng cao kiến thức cho học sinh lớp 12 thi đậu tốt nghiệp, đậu đại học và làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, tổ chức nơi ăn ở đảm bảo vệ sinh, đảm bảo sức khỏe để các em học tốt.