Ý tưởng từ sự vất vả của cha mẹ
Chưa đầy một tháng nữa là Hội thi KH-KT Quốc tế năm 2022 tổ chức tại Mỹ sẽ chính thức bắt đầu (diễn ra từ ngày 7 đến 13-5). Do đó, những ngày này, em Thu Hà và Duy An vẫn tiếp tục nghiên cứu, cải thiện một số chi tiết dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động” hoàn thiện nhất để dự thi. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Lưu Thị Thương (giáo viên bộ môn Tin học của trường), Hà và An cần mẫn, điều chỉnh lại từng chi tiết nhỏ nhất để chiếc máy hoạt động trơn tru nhất. Cả ba cô trò đều làm việc mê say không mệt mỏi.
Cuối tháng 3 vừa qua, dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động” của Hà và An đã đạt được giải nhất trong cuộc thi KH-KT cấp quốc gia và được Bộ GD-ĐT chọn tham gia Hội thi KH-KT Quốc tế. Nói về ý tưởng thực hiện dự án, Thu Hà chia sẻ, xuất thân từ một gia đình nông dân ở xã Ea Ô (huyện Krông Pắk) - một xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, lớn lên bằng những giọt mồ hôi mặn chát của cha mẹ, nên Hà thấu hiểu được nỗi vất vả, cực nhọc của người nông dân. Gia đình Hà cũng như nhiều hộ dân khác ở xã, trồng chanh dây, các công tác từ chăm sóc đến sơ chế chanh dây đều thực hiện bằng phương pháp thủ công nên vô cùng vất vả. Do đó, khi tham gia Câu lạc bộ STEM (câu lạc bộ Khoa học - Kỹ thuật - Công nghệ - Toán học) ở trường, Hà ấp ủ ước mơ có thể chế tạo một cỗ máy hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp để cha mẹ đỡ vất vả.
Trong một lần phụ giúp gia đình cắt, nạo chanh dây, Hà nhận ra rằng, khâu sơ chế này rất tốn thời gian nên em đã nảy sinh ý tưởng chế tạo máy hút dịch chanh dây tự động. Ngay khi quay lại trường, em chia sẻ ý tưởng với Duy An và được người anh lớp trên đồng ý. Cả hai bắt tay vào tìm hiểu chế tạo máy. Sau gần 6 tháng mày mò, nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Thương, An và Hà đã cho ra lò chiếc máy hút dịch chanh dây bán tự động. Chiếc máy được điều khiển bằng các phần mềm quản lý, các khâu cắt, hút dịch bằng xi lanh và buồng chứa đều hoạt động tự động. Với 2 lưỡi cắt, máy có hiệu suất làm việc cắt chiết được 60kg quả chanh dây/giờ. Bên cạnh đó, dịch chanh dây được hút hết đến 95%-98%; đảm bảo chất lượng dịch không lẫn tạp chất của vỏ.
Em Duy An kể, khi thực hiện dự án, cả hai đã tìm hiểu rất kỹ các phương pháp tách dịch chanh dây ở các cơ sở chế biến, trong đó đa số sử dụng các máy thô sơ với phương pháp ép dập, quay ly tâm để tách dịch. Do đó, dịch chanh dây được tách ra lẫn tạp chất của vỏ nên có vị chát. “Khi chế tạo máy, chúng em đã tập trung vào chi tiết này, khắc phục nhược điểm để đảm bảo dịch chanh dây hút ra không lẫn tạp chất của vỏ”, An phấn khởi kể.
Hỗ trợ ứng dụng vào thực tế
Chia sẻ về khó khăn khi thực hiện máy hút dịch chanh dây bán tự động, Hà và An đều cho biết, khó nhất là khâu chế tạo các bo mạch, lập trình phần mềm. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của thầy cô trong câu lạc bộ STEM, sau 6 tháng miệt mài nghiên cứu, Hà và An đã chế tạo thành công được chiếc máy. Duy An cũng cho biết thêm, hiện dự án máy hút dịch chanh dây bán tự động của các em chỉ là mô hình thí điểm, nhưng có thể hoạt động bằng 3 công lao động. Nếu tiếp tục cải tiến, tăng dung lượng xi lanh, lưỡi cắt thì có thể tăng hiệu suất làm việc cao hơn, thay thế được nhiều sức lao động hơn.
Cô Lưu Thị Thương nhận xét: “Hà là học sinh giỏi bộ môn Tin học, còn An là học sinh giỏi Ngoại ngữ. Cả hai đều là thành viên đội STEM của trường. Sự kết hợp của Hà và An trong việc nghiên cứu đề tài đã cho kết quả quá bất ngờ. Dự án máy hút dịch chanh dây bán tự động có tính sáng tạo cao, dễ đưa vào ứng dụng thực tế, giúp người nông dân tiết kiệm thời gian trong công đoạn sản xuất, chế biến chanh dây. Bên cạnh đó, chi phí để chế tạo máy rất thấp nên người dân ai cũng có thể mua và sử dụng”.
Còn thầy Trần Ngọc Quang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Đông Du, phấn khởi cho biết: “Dự án thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động của Hà và An là một trong 7 dự án trên cả nước được tham gia Hội thi KH-KT Quốc tế, là niềm tự hào của trường, của tỉnh. Cuộc thi KH-KT là sân chơi thể hiện trí tuệ, sức sáng tạo trong nghiên cứu KH-KT của các em học sinh. Hiện nhà trường cùng Sở GD-ĐT tỉnh hỗ trợ tối đa để nhóm thực hiện dự án tham gia cuộc thi đạt hiệu quả cao nhất. Thời gian tới, nhà trường sẽ kết nối với các chuyên gia, đơn vị tư vấn để hoàn thiện thêm về mặt ý tưởng, thiết kế nhằm có thể đưa dự án của Hà và An ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ người dân”.