Từ khi một số nền tảng nước ngoài đặt máy chủ và có văn phòng đại diện tại Việt Nam như TikTok, các tiêu chuẩn cộng đồng phù hợp với nhịp sống và luật pháp sở tại ngày càng chặt chẽ hơn. Để tránh bị “bay màu” tài khoản vì những quy định mới, nhiều bạn trẻ tìm đến các khóa học livestream, từng bước chuyên nghiệp hơn trong việc kiếm tiền trực tuyến.
Sau khóa học khoảng 1 tuần, cầm trên tay tờ chứng nhận giúp Đỗ Tuấn Khang (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) tự tin để xin vào các công ty truyền thông. “Nhiều người hay tưởng nghề livestream chỉ cần có điện thoại và tự tin nói chuyện là xong, thực tế đòi hỏi cao hơn nhiều. Mỗi sản phẩm bạn phải biết cách đọc thông tin thành phần, nhà sản xuất, đủ an toàn thì mới dám phát trực tuyến và tung mã giảm giá để khách hàng yên tâm chốt đơn”, Tuấn Khang chia sẻ.
Hiện tại, việc học nghề livestream trong nước khá phổ biến, nhưng đây chưa phải là ngành học chính, chủ yếu là các khóa học do các trường liên kết cùng công ty truyền thông tổ chức, và chỉ cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học chứ chưa có các loại bằng cấp hay chứng chỉ. Cũng vì vậy, độ uy tín của giấy chứng nhận chủ yếu phụ thuộc vào tên trường và công ty truyền thông liên kết.
Anh Duy Mạnh (CEO Công ty CP Công nghệ truyền thông Alpha X) chia sẻ: “Hiện nay, để livestream bán hàng trên một số nền tảng phải đáp ứng nhiều yêu cầu, ví dụ sản phẩm là dược phẩm, thực phẩm chức năng, nền tảng yêu cầu bạn phải chứng minh giấy phép hành nghề dược sĩ hay y bác sĩ. Hoặc công ty trực tiếp bán thì phải chứng minh giấy phép kinh doanh, giấy phép lưu hành sản phẩm… Đó là trong nước, còn ở một số quốc gia khác, muốn lên một phiên livestream bạn phải có thêm chứng chỉ hành nghề livestream, và khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng có sự cố gì đó, thì người livestream cũng phải chịu chung trách nhiệm. Tôi nghĩ trong tương lai, khi thị trường thương mại điện tử phát triển và chuyên nghiệp hơn, thì điều này sẽ được các nền tảng cân nhắc áp dụng, khi đó livestream có thể là một ngành học tại các trường, đào tạo bài bản và chuyên nghiệp”.
Kiếm tiền trực tuyến gần như là xu hướng của nhiều bạn trẻ gen Z, nhưng có lâu dài và bền vững hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu lựa chọn cho mình công việc đi cùng xu hướng của các nền tảng số, người trẻ cần bản lĩnh để đưa ra sự tính toán chuyên nghiệp, bắt kịp thậm chí là đón đầu thay đổi tiêu chuẩn cộng đồng mà các nền tảng đặt ra.