“Bị cáo có thấy hành vi của mình rất là nguy hiểm không? Bị cáo đã uống nhiều bia mà còn lái xe mô tô đi trên đoạn đường rất dài và đã gây tai nạn. Bị cáo có biết là sẽ phải trả giá rất đắt về hành vi xem thường pháp luật của mình không?” - “Thưa Hội đồng xét xử, bị cáo có biết ạ” - “Theo bị cáo tự khai là luôn chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, tại sao hôm đó bị cáo lại phóng nhanh qua giao lộ?” - “Thưa Hội đồng xét xử, do sự bốc đồng của tuổi trẻ vì có bạn ngồi phía sau, bị cáo muốn thể hiện rằng con gái không thua kém con trai”...
Gần 900 học sinh của Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Tân Phú) chăm chú theo dõi phần thẩm vấn trong phiên tòa giả định xét xử vụ án về giao thông đường bộ được tổ chức tại sân trường vào cuối tháng 2-2019 vừa qua, thỉnh thoảng quay sang trao đổi với nhau về những điều trước giờ chưa biết.
Trong bữa tiệc, Năm uống 4 lon bia. Trên đường về, đến một giao lộ, thấy đèn xanh còn 2 giây, do sợ bị kẹt đèn đỏ nên Năm đột ngột tăng tốc nhằm vượt qua ngã tư. Vì thiếu quan sát và không đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các phương tiện khi tham gia giao thông nên bánh trước xe của Năm đã đụng vào cần gác chân bên trái xe đạp của ông T. đang lưu thông phía trước cùng chiều với xe của Năm; khiến ông T. ngã xuống đường bất tỉnh, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, xe của Năm lưu thông trên đường với vận tốc khoảng 60 - 70km/giờ. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ cồn trong máu của Năm vượt mức cho phép gấp 3 lần. Vụ tai nạn làm ông T. bị thương tích nặng, liệt nửa người. Với hành vi phạm tội của mình, Năm bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Phiên tòa giả định giúp các em học sinh của Trường THCS Nguyễn Huệ hiểu hơn về các quy định khi tham gia giao thông đường bộ, hậu quả gây ra cho bản thân và người khác từ việc thiếu ý thức trong chấp hành pháp luật, hành vi vi phạm sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật như thế nào. Những điều này các em đã được học, được nghe nhưng chưa hình dung rõ ràng. Nhiều học sinh cho biết đã có được bài học quý giá để sau này không vi phạm luật, nhất là kiềm chế sự bốc đồng ở độ tuổi mới lớn như thích thể hiện bản thân qua việc chạy xe gắn máy phân khối lớn khi chưa đủ tuổi, buông tay lái hoặc chạy dàn hàng ngang trên đường…
Đây là một trong nhiều phiên tòa giả định được Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận Tân Phú và Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TPHCM tổ chức tại một số trường cao đẳng, THPT, THCS trên địa bàn quận thời gian qua.
Tổ chức phiên tòa giả định là hình thức được đánh giá là phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật rất hiệu quả; bởi các kiến thức pháp luật trở nên dễ nhớ và được các em học sinh tiếp thu nhanh chóng, từ đó sẽ góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong giới trẻ.