Vì mình còn trẻ
Với lý do bản thân còn trẻ cùng mong muốn tìm được công việc thích hợp nhất, nhiều bạn không ngại chuyện làm việc trái ngành đã học hay “nhảy việc” để có thể thử thách bản thân nhiều hơn.
Vừa nộp hồ sơ ở 2 công ty khác nhau, một thiết kế nội thất và một là nhân viên kinh doanh trực tuyến, Hoàng Hồng Hà (23 tuổi, ngụ quận Bình Tân), cho hay: “Tôi học thiết kế nhưng khi ra trường lại thích kinh doanh, thấy có công ty tuyển thì nộp hồ sơ cả hai. Với kinh doanh, tuy không được đào tạo nhưng tôi cũng có tham gia vài khóa học ngắn nên cũng không ngại, bản thân còn trẻ thì cứ thử sức, biết đâu lại làm nên chuyện”.
Vừa làm không đầy 2 tháng đã xin nghỉ, Đặng Thanh Hùng (24 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè), nói: “Dù chưa tìm được công việc mới, nhưng với công ty hiện tại, tôi quá chán nên xin nghỉ”.
Bản thân được đào tạo làm kỹ sư điện nhưng Hùng lại thích công việc liên quan đến kinh doanh hơn kỹ thuật điện. Từ nhân viên bán hàng, đến nhân viên tiếp thị, kinh doanh trực tuyến, Hùng đều trải qua, tuy nhiên cũng chỉ làm thời vụ hoặc không quá 3 tháng. Hùng cho biết, anh thường nhảy việc, tìm được công ty nào lương cao hơn, hoặc công ty nào tuyển nhân viên kinh doanh là nộp đơn.
Là nhân viên bán thời gian, làm một lúc 2 công ty nhưng Khánh An (26 tuổi, ngụ quận 12) cũng luôn trong tình trạng chuẩn bị sẵn hồ sơ xin việc khác. “Thường sau mỗi dự án, công ty sẽ có công việc mới để tiếp tục kế hoạch với nhân viên, nhưng mỗi công ty tôi làm cũng không quá 3 dự án, dù họ có mời làm nhân viên chính thức. Hễ thấy chán là tôi xin nghỉ. Tôi muốn thử những vị trí cao hơn nên thấy công ty khác tuyển dụng quản lý hay trưởng phòng là nộp hồ sơ ngay”.
Nhà tuyển dụng thở dài
Là nhân viên phòng nhân sự của một thương hiệu bánh ngọt, chị Lê Bảo Nhi (24 tuổi, ngụ quận 8) không ít lần đau đầu vì chuyện tuyển dụng nhân viên. Chị Nhi kể lại, mỗi lần tuyển dụng nhân viên, chị đăng tin hầu hết các trang web, diễn đàn tìm việc và cả những hội nhóm trên mạng xã hội. Nhiều lúc giờ nghỉ trưa, vẫn phải ôm máy tính hoặc điện thoại, để ứng viên có thắc mắc là trả lời ngay. Giờ giấc phỏng vấn cũng được thông báo quá email và gọi điện thoại để xác nhận, nhưng số lượng ứng viên đến không đầy một nửa. “Có bạn khi tôi gọi điện thì trả lời tìm việc ở công ty khác rồi, có bạn không đến nhưng cũng không thấy trả lời email luôn”, chị Nhi bức xúc.
Đau đầu hơn là việc nhân viên mới vào làm hôm trước, hôm sau đã nộp đơn xin nghỉ. Chị Tuyết Mai (26 tuổi, trưởng phòng nhân sự một sàn giao dịch bất động sản trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình), cho hay: “Trong lúc phỏng vấn trao đổi công việc, các bạn đều đồng ý, nhưng vừa làm bữa trước, bữa sau đã xin nghỉ. Có bạn làm buổi sáng, buổi chiều xin nghỉ vì bệnh, rồi cứ vậy mà nghỉ luôn, không đến công ty cũng không báo một tiếng, nhắn tin hay gọi điện thoại thì vài ngày sau trả lời đã tìm được việc khác. Nhân viên mới thử việc, không có hợp đồng hay điều khoản ràng buộc gì, nên nhiều bạn cứ đến rồi đi mà không hề thông báo, công ty lúc nào cũng phải đăng tin tuyển dụng mới”.
Chính vì những hợp đồng thử việc khá thoải mái và không có nhiều điều khoản ràng buộc, nên không ít bạn trẻ dễ dàng bỏ ngang công việc một cách vô trách nhiệm. Câu chuyện nghỉ việc không báo trước, hay vừa làm bữa trước, bữa sau đã lẳng lặng rút lui trở thành đề tài được nhiều bạn trẻ quan tâm. Trên các diễn đàn, hội nhóm tìm việc làm, cụm từ “nghỉ việc có văn hóa”, “nghỉ việc lịch sự và trách nhiệm”… cùng nhiều câu chuyện xung quanh vấn đề này được các tài khoản mạng xã hội chia sẻ, thu hút đông đảo lượt bình luận, hàng ngàn lượt like từ các bạn trẻ.
Gần 10 năm trong lĩnh vực quản lý và tuyển dụng nhân sự, anh Đinh Thanh Hoàng (36 tuổi, trưởng phòng nhân sự công ty quảng cáo, quận 3) cho biết: “Các bạn ứng viên khi đi xin việc đã chuẩn bị cho mình một hồ sơ thật chuyên nghiệp thì chuyện nghỉ việc cũng cần tử tế. Việc bỏ ngang không báo trước, hoặc vừa làm đã xin nghỉ, ít nhiều vẫn ảnh hưởng tới công việc chung”, anh Hoàng nhấn mạnh.