Đa số bậc cha mẹ khi bận làm việc, để trẻ có thể ngồi ngoan một chỗ, chính là đưa cho con chiếc điện thoại thông minh hoặc iPad. Trẻ có thể ngồi hàng giờ, thậm chí cả ngày để xem YouTube và cha mẹ cảm thấy an tâm với điều đó, dù chính bản thân họ cũng không thể kiểm soát được những nội dung trẻ sẽ xem là gì.
Tôi mở một clip và nghĩ rằng nội dung đó phù hợp với con, nhưng cứ hết một clip, YouTube sẽ tự động gợi ý những clip có nội dung khác nhau. Chính vì vậy, việc kiểm soát tất cả nội dung trẻ xem trên mạng là rất khó. Không khó để tìm thấy những kênh YouTube với người xem và truy cập đa số là trẻ con, nhưng lại xây dựng nội dung nhảm nhí, vô bổ. Dạo quanh các trang web này, những clip dạy kỹ năng sống, kiến thức khoa học xã hội cho trẻ thường có lượt xem thấp hơn hẳn so với những clip hài nhảm. Nếu như những kênh bổ ích cho trẻ thường chỉ có khoảng 10.000 lượt theo dõi thì những clip hài nhảm lại có tới 6 - 8 triệu lượt theo dõi.
Bạn tôi - một phụ huynh, cho biết, cho tụi nhỏ coi cái hay, cái bổ ích thì chúng không thích. “Có những clip mình coi không chịu nổi vài giây vì nhảm quá mà tụi nhỏ coi cả ngày được. Con nít lại rất thích coi kiểu thử thách 24 giờ làm chó, rồi là trò đùa kéo co với cột điện, ăn mì trong bồn cầu... Có những đứa coi xong còn học làm theo nữa. Tui chỉ mong sao YouTube lọc bớt những clip nhảm nhí để các cha mẹ yên tâm hơn khi cho con dùng”, phụ huynh trên nói.
Khách quan nhìn nhận, YouTube chứa nhiều kiến thức tốt, phục vụ cho sự phát triển toàn diện của trẻ, nhất là trong thời kỳ công nghệ số như hiện nay. Nếu không cho trẻ tiếp xúc với công nghệ thì trẻ sẽ trở nên lạc lõng, nhưng sử dụng sao cho hiệu quả, bổ ích, hợp lý lại là bài toán đối với cha mẹ. Với những trẻ đã được xem và sử dụng YouTube, rất khó để cấm trẻ ngưng dùng. Nếu đã không thể cấm cản thì hãy dành thời gian xem và học cùng con. Thay vì để trẻ xem một mình cả ngày, cha mẹ có thể thu xếp khoảng thời gian cố định, chọn lọc những clip hay, mới lạ, bổ ích theo chủ đề và cùng xem với con. Ngoài những lúc xem với cha mẹ, tuyệt đối không khuyến khích trẻ tự do lướt mạng, thay vào đó là đặt điện thoại, iPad xuống.
Những kiến thức, sự vật, sự việc ngoài đời thật sẽ tác động sâu sắc vào trí nhớ của trẻ hơn so với để trẻ tự học từ thế giới ảo. Đừng vì cái thuận tiện, lợi ích cho cha mẹ nhất thời mà để ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách của trẻ sau này.