Bộ GD-ĐT quy định các trường mầm non không được dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Mỗi đầu năm học, Sở GD-ĐT TPHCM đều có văn bản nhắc nhở các trường nghiêm chỉnh chấp hành quy định trên. Sách giáo khoa lớp 1 dạy chữ từ những nét cơ bản đầu tiên. Song, vì sao cuộc đua tìm thầy học chữ vẫn “nóng” mỗi dịp hè?
5 tuổi, thành thạo 24 chữ cái tiếng Việt
Trẻ 6 tuổi học chữ trước khi vào lớp 1 bây giờ xưa rồi. Hiện nay, nhiều gia đình có con mới 4 - 5 tuổi đã kiếm thầy dạy chữ cho con. Đó là nhận định chung của nhiều phụ huynh khi chúng tôi thực hiện khảo sát về nhu cầu cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1.
Chia sẻ với chúng tôi, chị T.T.S. (nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết năm con gái chị học lớp chồi (4 - 5 tuổi), trường mầm non đã cho các bé làm quen với chữ cái. “Hiện nay, dù chưa khai giảng chính thức bước vào lớp lá (5 - 6 tuổi) nhưng cháu đã viết được 24 chữ cái tiếng Việt, biết đếm và viết đến số 100. Cô giáo cho biết trong năm học tới sẽ rèn các cháu đánh vần, đảm bảo trước khi vào lớp 1 có thể đọc, viết thành thạo”. Người mẹ trẻ lo sợ là khi con vào lớp 1 sẽ không còn… chữ để học.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: THU TÂM
Đồng cảnh ngộ, chị T.T. (cư ngụ ở quận Gò Vấp) cho biết con trai hiện đang theo học một trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn quận, tháng 11 này bé mới tròn 5 tuổi, nhưng ngay từ trong hè, ngày nào đi học về cô giáo cũng cho bài tập.
Chị T. than thở: “Bé còn tuổi ăn, tuổi chơi, cầm cây bút rớt lên rớt xuống mà hôm nào cô cũng bắt viết 2 trang tập đồ các nét cơ bản. Mỗi trang có 8 hàng, mỗi hàng 10 nét. Có hôm cháu than mỏi tay, có bữa ngồi khóc luôn trên bàn học vì đồ hoài không hết nét. Tôi thương con quá mà không biết làm sao”.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ông bố, bà mẹ có con đang học lớp lá. Bởi khác với các thế hệ trước, phụ huynh 8X ngày càng có tư tưởng thoáng hơn trong việc dạy con.
Nhiều gia đình chủ trương không ép con học chữ quá sớm để không làm mất tuổi thơ của con. Trẻ ở độ tuổi mầm non cần được chơi nhiều hơn để phát triển trí thông minh, khả năng nhận thức và sáng tạo. “Kiến thức của tiểu học thì đợi đến vào cấp 1, các thầy cô sẽ dạy. Việc gì mà mầm non cứ tranh nhiệm vụ của tiểu học”, chị T.T. trăn trở.
Tuy nhiên, trước áp lực “các bạn đều học, con mình sao có thể không”, nhiều gia đình vẫn nhắm mắt cho con đi học chữ. Ở khu vực trường công lập, do Bộ GD-ĐT có quy định cấm dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 nên các trường chủ yếu chỉ tổ chức cho trẻ làm quen với chữ cái.
Riêng ở khu vực ngoài công lập và nhóm lớp mầm non tư thục, việc học chữ được tổ chức công khai hơn. Trao đổi với chúng tôi, một giáo viên hệ thống Trường Mầm non - Tiểu học - THCS V. (quận Bình Thạnh) cho biết, trường không quy định học sinh phải biết chữ trước khi vào lớp 1, nhưng do đại đa số các bé khi vào lớp 1 đã biết đọc, biết viết nên trường khuyến khích phụ huynh cho bé sớm làm quen chữ cái và số đếm, để khi vào lớp 1, trình độ các bé tương đối đồng đều, giáo viên dễ dàng hơn trong việc triển khai các hoạt động. Riêng những học sinh đã học mầm non ở cùng hệ thống sẽ được dạy chữ từ đầu học kỳ 2 năm lớp lá.
Cuộc đua do chính phụ huynh khởi xướng
Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận 5 phân tích: “Dạy chữ sớm cho học sinh là giáo viên mầm non thêm một đầu việc. Đâu ai muốn tự chuốc khổ vào thân. Nhưng dù trường không dạy, phụ huynh cũng cho con học các lớp luyện chữ bên ngoài. Có trường hợp cô không dạy, phụ huynh vào tận lớp hỏi vì sao không dạy trong khi ở trường này, nơi nọ, học sinh lớp lá đã biết chữ hết rồi”.
Đây cũng là lý do vào những ngày cuối tuần, các lớp học chữ dành cho trẻ ở độ tuổi mầm non tại các nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa quận, huyện vẫn có đông trẻ theo học. Có cầu ắt sẽ có cung. Lãnh đạo phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm cho biết, năm nào tỷ lệ học sinh biết đọc, biết viết cũng chiếm hơn 50% số học sinh mới vào lớp 1.
Mặc dù đa số giáo viên khi được hỏi đều thừa nhận sẽ có 2 giáo án riêng cho nhóm học sinh chưa biết chữ và nhóm học sinh đã biết chữ, nhưng nếu trình độ học sinh của cùng một lớp quá chênh lệch sẽ khiến giáo viên “quay mòng” trong việc phân bổ thời lượng các hoạt động.
Học sinh Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) trong một giờ lên lớp
Đến hẹn lại lên, đầu tháng 8-2017, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản hướng dẫn một số hoạt động đầu năm học và chuẩn bị năm học mới 2017-2018.
Trong đó nêu rõ: “Khi vào chương trình, dạy những bài học đầu tiên, giáo viên không được phân biệt học sinh biết và chưa biết đọc, viết, không bỏ qua bài học, cần hướng dẫn cách đọc, cách viết một cách tận tình và chu đáo cho từng học sinh”.
Như vậy, việc phụ huynh cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 là không cần thiết, chẳng những không giảm bớt việc mà còn tăng thêm áp lực cho giáo viên. Nhất là trong những trường hợp trẻ đã học chữ trước nhưng ngồi viết sai tư thế, cầm bút chưa đúng sẽ khiến giáo viên mệt mỏi hơn trong việc uốn nắn, thay đổi lại thói quen cho các em.
Vì vậy, lời khuyên cho tất cả phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 là không nên nhồi nhét việc học chữ, thay vào đó nên chuẩn bị cho con về mặt tâm lý để trẻ sớm thích nghi và hòa nhập môi trường học tập mới.