Đây là 2 dòng sách đang được lòng giới trẻ, nhất là thể loại ngôn tình văn phong mùi mẫn, dễ đọc. Sách ngôn tình ở các hội nhóm, fanpage về ngôn tình trên mạng xã hội cũng đều thu hút đông đảo bạn trẻ. Các fanpage để có thể thu hút lượt thích và theo dõi, mỗi ngày thường chia sẻ các đoạn ngôn tình gay cấn, hấp dẫn trong các truyện đang ăn khách để thu hút người theo dõi. Và nếu muốn đọc trọn bộ câu chuyện, người xem nhắn tin đặt hàng và sách sẽ được giao tận nhà. Đây là một cách bán hàng khá hiệu quả của những fanpage ngôn tình hiện nay và nhiều bạn bè tôi mê ngôn tình đều chọn cách làm này.
Ngôn tình được hiểu là các loại truyện, tiểu thuyết tình cảm nhẹ nhàng, có thể pha lẫn yếu tố hài hước. Tuy nhiên, để tăng độ “ép-phê” và ăn khách hơn, các tiểu thuyết ngôn tình dần xuất hiện thêm ngôn tình ngược hay còn hiểu là ngôn tình yêu đơn phương, hoặc yêu mà giày vò người khác, hành hạ thân xác; ngôn tình đam mỹ (thể loại ngôn tình về đồng tính nam).
Tình yêu nam nữ là đề tài của ngôn tình, chính vì điều này càng thu hút bạn trẻ bởi nó đánh đúng vào tâm lý và độ tuổi của người đọc. Tuy nhiên, không ít sách ngôn tình dần đi quá sâu vào chuyện tình cảm yêu đương, những đoạn viết miêu tả quan hệ nam nữ thật chi tiết, ướt át… người trẻ nếu quá lậm dòng sách này, rất dễ dẫn đến những lệch lạc trong sự phát triển tâm sinh lý. Chưa kể từ những sách ngôn tình, các video đọc truyện ngôn tình trên YouTube cũng tràn lan và không hề gắn cảnh báo “18+” hay “16+” dù nội dung liên tục miêu tả cảnh nóng, hoặc có gắn mác “18+” cũng như không, người xem chỉ cần một cú click là có thể nghe trọn nội dung, hoàn toàn không có một kiểm duyệt hay xác minh nào để xác thực độ tuổi người dùng.
Nếu như những thế hệ 7X, 8X trước đây như chúng tôi say sưa với văn học trong nước, văn học Xô viết, Pháp… thì giới trẻ bây giờ lại cuồng ngôn tình. Nhiều thế hệ trước đây họ có thể không biết làm thơ, nhưng biết cách cảm thụ một bài thơ hay, hiểu thế nào là ý tứ, niêm luật. Và có lẽ chính vì say sưa với những tác phẩm văn kinh điển nên rèn giũa người ta cách viết một đoạn văn hay một văn bản cũng thật sự chỉn chu, ngôn từ chuẩn xác và đa dạng. Sai chính tả, hành văn lủng củng… dường như là một lỗi rất phổ biến với người trẻ hiện thời, nhất là cách dùng từ, văn nói đến văn viết áp dụng những từ ngữ trong ngôn tình một cách vô tội vạ, từ Hán Việt lẫn lộn thuần Việt.
Đọc sách để giải trí hay học tập còn tùy thuộc vào mỗi người và hoàn cảnh, tuy nhiên giải trí cũng cần chọn lọc. Sách ngôn tình không phải là điều xấu, nhưng nếu lựa chọn nó để giải trí, người đọc nhất là những bạn đọc trẻ cần chọn lọc một cách kỹ càng về mặt nội dung để tránh những ảnh hưởng lệch lạc về tâm lý sau khi đọc sách.
Cao hơn cả việc đọc đó là thưởng thức một cuốn sách, từ đó mới có thể tạo dựng cho bản thân một nền tảng kiến thức đa dạng và khả năng về ngôn từ, ngữ pháp. Để có thể làm được điều này, khâu chọn sách là một điều quan trọng, không nhất thiết phải là những quyển sách về học thuật cao siêu, người đọc có thể bắt đầu bằng dòng sách văn học nhẹ nhàng của những tác giả tên tuổi trong nước, rồi bắt đầu đến văn học thế giới, nhưng tuyệt nhiên đó không phải là sách ngôn tình hay tự lực.
LƯƠNG THỊ ANH ĐÀO (Chung cư Hồng Lĩnh, huyện Bình Chánh, TPHCM, anhdao237…@gmail.com)