Trong sự thất vọng, thậm chí bắt đầu có ý kiến cho rằng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nên đánh giá lại năng lực của chiến lược gia người Pháp, để không phải hối tiếc về chặng đường phát triển phía trước của bóng đá Việt Nam.
Về nguyên tắc, dừng lại cũng là một giải pháp khả thi bởi không phải cứ là HLV ở đẳng cấp thế giới thì sẽ bảo đảm thành công tại bóng đá Việt Nam. HLV Troussier từng đưa bóng đá Nhật Bản lên một tầm cao mới nhưng hoàn cảnh và xuất phát điểm của bóng đá Việt Nam lại khác. Hơn nữa, bóng đá hay bất kỳ môn thể thao đỉnh cao nào cũng cần có thành tích bởi đó vừa là áp lực vừa là động lực cho sự phát triển.
Tuy nhiên, giới chức VFF không gay gắt sau thất bại của thầy trò ông Troussier ở đấu trường châu Á mà khẳng định sẽ kiên nhẫn chờ đợi và tiếp tục tin tưởng vị chuyên gia này ở vị trí “kiến trúc sư trưởng” của bóng đá Việt Nam. Vòng loại World Cup 2026 vào tháng 3 tới chính là “bài kiểm tra cuối cùng” dành cho ông Troussier, cũng được xem như cơ hội cho HLV này chứng minh những thử nghiệm của mình là đúng, nhất là khi trao hoàn toàn niềm tin cho cầu thủ trẻ mà bỏ qua nhiều cựu binh, công thần từng giúp đội tuyển quốc gia tạo tiếng vang ở các sân chơi châu lục.
VFF có lý do để đặt niềm tin vào HLV Troussier. Những thành công của bóng đá Việt Nam từ khi hội nhập quốc tế đến nay phần lớn thuộc về những nhiệm kỳ của các HLV nước ngoài với quá trình làm việc lâu năm. Ngược lại, mỗi khi chúng ta sa thải sớm HLV sau một thất bại nào đó thì sẽ dẫn đến một sự sa sút nặng nề, kéo dài. Cũng vì thế mà từ năm 2014 đến nay, bóng đá Việt Nam cũng chỉ có 4 HLV trong khi 10 năm trước đó lại phải trải qua đến 6 lần ký hợp đồng HLV. Những nhà quản lý bóng đá Việt Nam có lẽ thấu hiểu được nguyên tắc: muốn có sự phát triển cần có thời gian.
Cần phải có một cái nhìn toàn diện về bóng đá Việt Nam trước khi đưa ra những đánh giá hay phán xét công việc và thành tích dưới thời HLV Troussier. Qua màn thể hiện của đội tuyển Việt Nam ở Asian Cup có thể khẳng định không phải cứ có một HLV giỏi là tự khắc mọi thứ tốt hơn được. Những tồn tại vẫn còn đó: Cầu thủ chơi tiểu xảo vụng về không qua mắt trọng tài, phạm những lỗi theo thói quen để gây bất lợi cho chính đội nhà, thể hình không tốt hơn đối thủ… Rõ ràng, cái chúng ta thiếu không hẳn là một HLV giỏi mà là một nền bóng đá có đẳng cấp, ở đó có cầu thủ, có chiến thuật, có triết lý làm bóng đá… đáp ứng được trình độ chơi bóng cấp châu lục.
Nếu chỉ cần tìm một HLV giỏi, không có ông Troussier thì cũng sẽ có người khác, dù là tốn kém, cũng sẽ có giải pháp. Nhưng nếu chúng ta thực sự vẫn còn những cái thiếu mang tính nền tảng, nhất định phải có thời gian để thay đổi. VFF vẫn tin rằng ở giai đoạn chuyển giao thế hệ này, ông Troussier cần thêm chút thời gian để đưa bóng đá Việt Nam trở lại quỹ đạo vốn có của 2-3 năm trước đây. Đây là lựa chọn của VFF và dù điều đó có thể đang đi ngược lại dư luận, với không ít người hâm mộ vào lúc này, có lẽ chính chúng ta cũng cần phải tôn trọng quyết định đó và hành xử thật văn minh đối với ông Troussier.