Trên thực tế, lối hành xử này không chỉ xuất hiện khi chia tay mà còn đeo bám nhiều người trẻ khi họ đang ở trong một mối quan hệ. Thuật ngữ “Mối quan hệ độc hại” (hay toxic relationship) chỉ những mối quan hệ khiến bạn cảm thấy không được hỗ trợ, bị hiểu lầm, bị hạ thấp hoặc bị tấn công. Đó chính xác là tình trạng mà nhiều bạn trẻ đang gặp phải.
T.K. (20 tuổi, Bình Thạnh, TPHCM) đưa ra quyết định chia tay vì không còn tình cảm và cảm thấy không được là chính mình sau khi liên tục bị đối phương cố gắng “uốn nắn”. Dù vậy, cuộc chia tay không được giải quyết êm đẹp vì đối phương không đồng ý. Tình trạng vùng vằng này kéo dài trong khoảng một tháng và những hành động cùng lời nói mang tính uy hiếp của đối phương là một sự tra tấn tinh thần đối với T.K lúc đó. T.K. cho biết: “Cảm xúc và tâm trạng của tôi lúc đó rất hỗn độn và không nghĩ được gì. Tôi thực sự sợ hãi sau khi chứng kiến những hành vi tiêu cực mà đối phương đã làm”.
Và những cuộc chia tay không mấy êm đẹp thường để lại một “bóng ma” lớn trong lòng người trẻ. Chia sẻ về vấn đề này, ThS Quang Thị Mộng Chi, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM (Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết, việc một người có biểu hiện kiểm soát hoặc khống chế đối phương trong một mối quan hệ cho thấy người này chưa có sự tin tưởng đối với người bạn đồng hành. Đồng thời, họ cũng chưa có sự tự tin vào bản thân và vào tình cảm của cả hai. Đây cũng là biểu hiện của mối quan hệ tình cảm chưa lành mạnh. Và nếu một trong hai đã thực sự không còn tình cảm thì chia tay chính là giải pháp tốt nhất để giữ lại những hình ảnh đẹp trong mắt nhau.
Cũng như học cách yêu, người trẻ cũng cần học cách để chia tay. Theo ThS Quang Thị Mộng Chi, ngay từ ban đầu, người trẻ cần phải xác định tình cảm đó có thực sự là tình yêu hay không. Tiếp đó, cần học cách giao tiếp để thấu hiểu và cùng nhau xây đắp mối quan hệ. Cuối cùng, hãy học cách chấp nhận nếu cả hai không còn phù hợp. Bởi, tình cảm và cảm xúc vốn dĩ là thứ mà nhiều khi chúng ta không thể quyết định được.