Học Bác không quản tuổi tác

Nhiều đảng viên đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, có người đã ngoài 95 tuổi, nhưng vẫn sắc son với lời thề thời trẻ tuổi khi đứng dưới lá cờ Đảng, vẫn cháy bỏng khát vọng lý tưởng cách mạng và tự rèn, học và làm theo Bác phục vụ nhân dân mỗi ngày.

1. Bước sang tuổi 73, Thiếu tá Quân y Nguyễn Xuân Lam không an nghỉ mà vẫn hết lòng với người bệnh. Hàng ngày, bác sĩ Nguyễn Xuân Lam có mặt tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế YERSIN (số 10 đường Trương Định, quận 3, TPHCM) từ sớm để khám cho người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam tâm sự: “Tay nghề đội ngũ thầy thuốc Việt Nam không thua kém các nước, nhưng nhiều người dân lại sang Nhật Bản, Singapore khám, chữa bệnh, vừa vất vả cho người bệnh lại hao tốn ngoại tệ quốc gia”.

Mong muốn chia sẻ khó khăn với người bệnh, ngày rời quân ngũ, vị bác sĩ quân y này dành tâm huyết, dày công xây dựng Phòng khám Đa khoa Quốc tế YERSIN. Giữa trưa, khi phòng khám vắng người, bác sĩ Nguyễn Xuân Lam giới thiệu với chúng tôi về cơ sở khám bệnh, với đầy đủ các khoa chẩn đoán hình ảnh, dược, xét nghiệm và nhiều thiết bị thăm dò chức năng khác.

“Mong ước có thêm một đội ngũ bác sĩ, nhân viên tận tụy, trên môi luôn mở nụ cười với người bệnh đã thành hiện thực”, người bác sĩ già chia sẻ.

Ông Lê Chu Giang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi TPHCM, nhận xét: Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam là hội viên mẫu mực, đã đạt 2 danh hiệu “Đảng viên xuất sắc” và “Dân vận khéo”.

Phòng khám Đa khoa Quốc tế YERSIN không chỉ giữ chân người bệnh ở lại trong nước mà doanh thu hàng năm trên 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 120 lao động, với thu nhập từ 15-20 triệu đồng/người/ tháng.

“Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam còn là mạnh thường quân của các chương trình xã hội. Mỗi năm, bác sĩ Lam dành trên 200 triệu đồng cho hoạt động từ thiện, riêng 9 tháng năm 2023 đã ủng hộ 500 triệu đồng”, ông Lê Chu Giang cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam đang khám cho người bệnh tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế YERSIN

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam đang khám cho người bệnh tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế YERSIN

2. “77 năm trước, dưới lá cờ Đảng, tôi đã cất cao lời thề nguyện cống hiến, hy sinh cho Đảng, nhân dân, đất nước đến hơi thở cuối cùng. Chỉ lúc thân này không còn nữa, tôi mới quên lời thề”, Đại tá Đinh Văn Huệ bồi hồi nhớ lại.

Ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 về trên quê hương Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), ở tuổi 17, ông hòa mình trong dòng thác cách mạng, hăng hái tham gia lực lượng Thanh niên tiền phong ở địa phương. Đất nước hòa bình chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại, người thanh niên Đinh Văn Huệ cầm súng lên đường tham gia kháng chiến. Cuộc đời ông gắn liền với cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc suốt 54 năm, cho đến ngày rời quân ngũ với quân hàm Đại tá trên vai.

Ở tuổi 95, Đại tá Đinh Văn Huệ còn nhớ như in, năm 2001, rời quân ngũ trở về đời thường, với lời thề trong tim, người cựu chiến binh không chịu nghỉ ngơi mà bắt tay vào “công việc không tên” của địa phương. Người dân khu phố 7, phường 15, quận 10 mấy chục năm nay đã quen thuộc với hình ảnh người cựu chiến binh Đinh Văn Huệ tận tụy với việc công.

Đại tá Đinh Văn Huệ tâm sự: “Mọi công việc phục vụ người dân đều lớn cả, không có việc to hay nhỏ”. Cán bộ phường 15, quận 10 cho biết, ngày Đại tá Đinh Văn Huệ về địa phương, ông bắt đầu làm Trưởng ban công tác Mặt trận và Bí thư chi bộ 7A, liên tục 19 năm (2002-2020). Ông còn tham gia làm Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ, Chi hội trưởng Hội Khuyến học, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi của khu phố 7…

“Ngày ở tuổi đôi mươi, dưới lá cờ Đảng, tôi đã cất lời thề nguyện cống hiến, hy sinh cho Đảng, cho nhân dân đến hơi thở cuối cùng. Ngày nào còn sống, còn đi lại được là tôi còn gắng sức phục vụ người dân”, người đảng viên 77 tuổi Đảng, 95 tuổi đời chia sẻ.

3. Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Quân đoàn 4; Phó Chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân 2 canh cánh nỗi lo chưa đưa được liệt sĩ là đồng đội, cấp dưới của mình về với gia đình. Chạy đua với thời gian, dù tuổi đã cao, ông vẫn thường xuyên trở lại chiến trường xưa đi tìm, quy tập mộ liệt sĩ, những người đồng đội ngày trước.

“Tính tròn, giờ tôi đã vào tuổi 83 mà công việc vẫn còn nhiều quá. Mong muốn cuối đời làm sao đưa hơn 100 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 165, Sư đoàn 7 hy sinh trong trận đánh căn cứ biệt kích Cần Lê (Tống Lê Chân) năm 1967 tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh về với gia đình”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh day dứt.

Nhận xét về thủ trưởng cũ của mình, Đại tá Lương Bá Ngọc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM, tự hào: “Năm 1993 trở về địa phương, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh không ngại nhận nhiệm vụ cán bộ tổ dân phố (khu phố 6). “Miệng nói tay làm”, ông sử dụng tiền tiết kiệm, vận động bà con cùng nâng cấp đường hẻm và chỉnh trang khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư. Năm 2000, ông được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Phó Ban Mặt trận khu phố 6. Bất cứ việc lớn hay bé, ông vẫn giữ nếp sinh hoạt trong quân đội, làm việc nhanh, có phương án “tác chiến” và hoàn thành tốt công việc”.

Tin cùng chuyên mục