Trong bối cảnh phương tiện lưu thông trên địa bàn TPHCM liên tục tăng cao đến mức cầu đường bị quá tải, việc hạn chế dần xe máy và phát triển vận tải hành khách công cộng càng thêm cấp thiết. Tuy nhiên, hoạt động của xe buýt vẫn còn nhiều bất cập, nên chưa thu hút được nhiều người đi lại bằng xe buýt. Nhiều bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến góp ý về việc nâng chất lượng hoạt động xe buýt.
Trạm chờ xe buýt nhếch nhác
Trên đường Phạm Văn Đồng (địa bàn quận Thủ Đức), có một số trạm chờ xe buýt khang trang kiên cố đã bị kẻ gian phá hoại, cạy lấy trộm những tấm tôn ốp vách ngăn. Do vậy, hành khách chờ ở trạm bị mưa tạt, nắng hắt. Cần sửa sang lại để giữ mỹ quan đô thị, đồng thời cần quan tâm bảo vệ tài sản tại các trạm chờ xe buýt.
Cũng thường thấy không ít trạm chờ xe buýt rất nhếch nhác, thành nơi các hộ dân mang rác ra đổ, nhiều ngày không ai thu dọn khiến mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Hành khách đón xe buýt phải đứng thật xa trạm chờ để tránh bị ô nhiễm. Khi vẫn để những trạm chờ xe buýt bị hư hại, bầy hầy như vậy, thì không thể vận động đông đảo người dân chọn xe buýt làm phương tiện đi lại.
ĐẶNG ĐỨC (quận Thủ Đức, TPHCM)
Bán hàng rong trên xe buýt
Trên các tuyến xe buýt tại TPHCM, nhất là các tuyến về ngoại thành, thường có những người bán hàng rong lên xe rao bán quần áo, đồ trang sức, bàn chải đánh răng, dao cạo râu... với lời quảng cáo hấp dẫn: “Công ty thanh lý hàng tồn kho, bán rẻ cho khách hàng”. Đây thường là những mặt hàng không đảm bảo chất lượng. Khi xe buýt dừng ở trạm đón khách, có những người lên xe mang theo túi xách đựng nhiều sách, rao bán sách tử vi xem vận mệnh và sách các bài thuốc nam của vùng Bảy Núi (An Giang), mạnh miệng rao rằng trong sách có nhiều thần dược trị được cả bệnh ung thư. Đây là những sách trôi nổi, không kiểm duyệt, không nhà xuất bản, cũng không biết người viết sách là ai. Vậy mà nhiều hành khách cả tin cũng mua để tự trị bệnh, chắc chắn sẽ không ổn cho sức khỏe.
Việc bán hàng rong trên xe buýt gây ra cảnh ồn ào, mất trật tự, làm nhiều người ngại đi lại bằng xe buýt. Nên thực hiện nội quy cấm mua bán trên xe buýt và có kiểm soát, nhắc nhở để giữ cho các chuyến xe buýt thực sự an toàn, lịch sự, văn minh.
NGUYỄN HOÀNG DUY (quận 5, TPHCM)
Loa thông báo trên xe buýt không hoạt động
Mới đây, khi đi trên một chiếc xe buýt từ ngã tư Thủ Đức vào khu trung tâm TPHCM, tôi thấy một hành khách nữ đã lớn tuổi, chốc chốc lại hỏi người tiếp viên trên xe là đã tới Bệnh viện Hùng Vương (quận 5) chưa. Vì bà cụ hỏi hơi nhiều, trong khi tiếp viên đã nói cho cụ biết là khi nào nơi tới sẽ báo, nên khi bà cụ hỏi tới lần thứ 4, anh tiếp viên đã phải gắt lên.
Bà cụ không rành đường, cứ liên tục hỏi thăm trạm xuống là vì loa thông báo trạm dừng không hoạt động, nếu như có loa thông báo khi xe chuẩn bị tới trạm thì bà cụ đã không phải lo lắng như vậy. Với các tuyến buýt không thuộc diện “chất lượng cao”, không có loa thông báo thì khi xe sắp tới trạm dừng, tiếp viên phải kêu to cho khách biết để khách xuống xe. Nhưng với các tuyến buýt chất lượng cao, thì trên xe phải trang bị hệ thống loa thông báo trạm dừng đậu để hỗ trợ cho hành khách biết nơi xe sắp tới và cần xuống xe. Cần chú trọng duy tu bảo dưỡng, khi xe hỏng hóc loa thông báo thì sửa ngay, đừng để loa hư sẽ gây bất tiện cho hành khách đi xe.
HOÀNG THANH PHONG (quận Thủ Đức, TPHCM)
Lộ trình xe buýt chạy lòng vòng mất thời gian
Một trong những nguyên nhân xe buýt khó trở thành phương tiện đi lại chính của người dân là do lộ trình xe chạy lòng vòng tốn nhiều thời gian đi lại, khi muốn đến một điểm cách 5km thì phải đi xe buýt lòng vòng lộ trình chừng 10km. Vì vậy nhiều người ngại đi xe buýt, dù biết đi xe buýt sẽ an toàn và không bị mưa nắng.
Nếu như bố trí các tuyến xe buýt theo chiều ngang - dọc thành phố, thì chỉ cần đi 2 tuyến buýt là có thể đến được nơi cần đến. Ngoài các tuyến xe buýt đường dài kết nối trung tâm thành phố với trung tâm các quận - huyện và các tỉnh - thành lân cận, nên có có các tuyến xe buýt kết nối với các trường học, trung tâm thương mại, trung tâm giải trí… để người dân đi lại thuận tiện hơn.
KIM CHI (quận Phú Nhuận, TPHCM)
Thiết kế làn đường ưu tiên hợp lý cho xe buýt
Việc dành làn đường riêng không chỉ giúp rút ngắn thời gian lưu thông, thu hút thêm hành khách đi xe buýt, an toàn giao thông mà còn góp phần giải quyết kẹt xe. Nhiều thành phố trên thế giới từng kẹt xe trầm trọng, sau đó làm làn đường riêng và ưu tiên cho xe buýt. Song, tại TPHCM, lòng đường vốn đã hẹp, nếu tách ra tối thiểu một làn để bố trí cho xe buýt sẽ làm mặt đường càng hẹp hơn, phương tiện còn lại sẽ ùn ứ, gây kẹt xe dọc hai bên làn xe buýt, ùn tắc trên các đường ngang và khu vực, không loại trừ phương tiện khác lấn sang làn đường dành cho xe buýt, xe máy đi trên vỉa hè gây mất an toàn. Do vậy, nên chọn những tuyến đường có bề rộng lớn với số lượng xe buýt lưu thông nhiều để bố trí làn đường riêng cho xe buýt, sau khi thành công mới mở rộng dần ra các tuyến phố khác. Tùy từng tuyến đường mà tổ chức làn riêng hoặc là làn ưu tiên cho xe buýt để thu hút nhiều người sử dụng.
Muốn xe buýt sớm trở thành phương tiện chủ lực và thu hút nhiều người dân sử dụng để dần hạn chế xe cá nhân cũng như góp phần giải quyết nạn ùn tắc giao thông đang trầm trọng thì nên có thêm những kế hoạch mang tính lâu dài. Trong quá trình quy hoạch, mở rộng hay nâng cấp công trình giao thông hãy hướng đến thiết kế làn đường riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt. Đặc biệt với 5 tuyến đường trên cao mà TPHCM đang kêu gọi đầu tư, bổ sung làn riêng cho xe buýt sẽ có nhiều thuận lợi.
TRẦN VĂN TƯỜNG (quận 9, TPHCM)