Hoạt động vận tải hành khách lại căng mình vì dịch

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành giao thông vận tải thành phố một lần nữa lại phải căng mình triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch tại các nhà ga, bến xe, bến cảng nhằm đảm bảo sức khỏe cho hành khách và cộng đồng.
Kiểm tra thân nhiệt hành khách trước khi vào làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: CAO THĂNG
Kiểm tra thân nhiệt hành khách trước khi vào làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: CAO THĂNG

Triển khai nhiều biện pháp

Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện nay, tất cả các bến xe khách liên tỉnh, bến xe buýt, bến tàu thủy, ga đường sắt, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… đều đã trang bị khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn cho hành khách, người dân đến liên hệ công tác cũng như người lao động của đơn vị. Không những thế, các đầu mối giao thông vận tải trọng điểm này còn thực hiện thường xuyên hàng ngày việc vệ sinh sảnh chờ đón khách, phương tiện vận tải, phun xịt sát khuẩn, tiệt trùng tại các khu vực tiếp công dân, nơi tập trung đông người trong khuôn viên bến xe, bến cảng…

Nhiều đơn vị còn trang bị máy đo thân nhiệt để chủ động phòng ngừa khi có hành khách bị mệt, ho, bệnh. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã chuẩn bị một số trang thiết bị cần thiết như xe cứu thương với đầy đủ thiết bị sơ cứu y tế, máy sốc tim, cáng cứu thương và bố trí nhiều thùng rác y tế tại khu vực nhà ga, khu vực hoạt động bay để thu gom khẩu trang y tế, găng tay đã qua sử dụng. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đặc biệt giám sát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; thường xuyên phun thuốc khử trùng tại một số trọng điểm trong sân bay, như khu vực băng chuyền hành lý, các quầy làm thủ tục nhà ga quốc nội và quốc tế, khu vực nhà vệ sinh, hệ thống màng lọc máy lạnh…

Ga xe lửa Sài Gòn thường xuyên thực hiện phun thuốc khử trùng các đoàn tàu. Bình quân mỗi ngày có 3-4 đoàn tàu được phun thuốc diệt khuẩn. Tất cả các trưởng tàu đều được tập huấn cách xử lý khi có hành khách nghi ngờ mắc Covid-19. Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TPHCM cũng phối hợp với các đơn vị vận tải tại Ga xe lửa Sài Gòn tổ chức lập chốt kiểm tra thân nhiệt cho tất cả hành khách đi tàu.

Đối với loại hình xe buýt, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT) thành lập Tổ công tác chuyên trách phòng chống dịch Covid-19 trên hệ thống xe buýt thành phố. Bên cạnh việc tham mưu cho lãnh đạo ban hành kế hoạch phòng chống và ứng phó dịch Covid-19 trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, tổ công tác cũng thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch, việc thông tin tuyên truyền về diễn biến của dịch bệnh, thực hiện chế độ báo cáo kịp thời tình hình thực hiện theo chỉ đạo của Sở GTVT.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã có văn bản gửi đến tất cả các doanh nghiệp vận tải tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng, yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với lĩnh vực vận tải hành khách trên địa bàn thành phố, nhằm đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và hành khách đi xe buýt. Trong đó, nêu rõ một loạt biện pháp cần làm như: thực hiện vệ sinh xe buýt sạch sẽ sau mỗi chuyến xe bằng dung dịch khử trùng, sát khuẩn; trang bị và yêu cầu phải đeo khẩu trang y tế trong suốt quá trình làm nhiệm vụ đối với lái xe, nhân viên phục vụ, nhân viên điều hành, nhân viên kiểm tra; nghiêm cấm vận chuyển sản phẩm động vật, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, có mùi hôi tanh dưới mọi hình thức. Điều chỉnh nhiệt độ trong xe ở chế độ trên 25°C; thực hiện nghiêm công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các bến xe, vị trí đầu cuối tuyến xe buýt do đơn vị mình phụ trách; tuyên truyền và phát miễn phí ấn phẩm cho hành khách đi xe buýt về những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Vừa qua, Sở GTVT TPHCM đã có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan chức năng, đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách liên tỉnh đề nghị phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp giám sát phương tiện, hành khách từ vùng dịch vào thành phố, không để lây lan dịch ra cộng đồng trong quá trình thực hiện các hoạt động vận tải. Một số quy định được Sở GTVT nêu ra, như sau:

Yêu cầu tất cả người điều khiển phương tiện, tiếp viên, người phục vụ và hành khách phải luôn đeo khẩu trang đúng cách trong khuôn viên nhà ga, bến xe, bến tàu… và trên các phương tiện vận tải hành khách. Yêu cầu hành khách trước khi lên phương tiện vận tải cần khai báo y tế điện tử bắt buộc tại nhà, chỉ khai báo y tế giấy khi không thực hiện được khai báo y tế điện tử (không áp dụng với taxi và xe buýt); kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay.

Trên mọi phương tiện vận tải hành khách đều phải trang bị dung dịch rửa tay có ít nhất 60% nồng độ cồn; dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy. Tổ chức rà soát và lập danh sách cá nhân tại các cơ quan, đơn vị có hành trình trở về thành phố từ vùng dịch (Đà Nẵng, Quảng Ngãi…) trong thời gian từ ngày 1-7-2020 và gửi danh sách đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM để được hướng dẫn, hỗ trợ tiếp theo về bảo đảm sức khỏe, phòng ngừa lây lan dịch. Hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi; Không khạc nhổ bừa bãi. Khuyến khích thông gió tự nhiên trên phương tiện vận tải.

Những khó khăn

Chủ động, quyết liệt và có ý thức trách nhiệm cao trong phòng chống dịch Covid-19, nhưng các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đang lo sẽ phải lại một lần nữa đối mặt với tình trạng sụt giảm hành khách nghiêm trọng, do ảnh hưởng của dịch như đã xảy ra trong thời gian giãn cách vào tháng 4 qua. Bởi, nếu hành khách sụt giảm sẽ dẫn đến doanh thu giảm, một điều dân trong nghề rất sợ.

Còn nhớ trong giai đoạn giãn cách hồi tháng 4, có lẽ chưa bao giờ mà cả vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không trên địa bàn thành phố đều bị sụt giảm hành khách nghiêm trọng như vậy. Thống kê trong tháng 2 và 3-2020 cho thấy, vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ thông qua các bến xe đạt hơn 3,8 triệu hành khách, với gần 264.000 lượt xe phục vụ. Con số này tính ra đã giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, loại hình xe buýt thành phố đạt hơn 38 triệu lượt hành khách, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước đó. Vận tải hành khách bằng đường thủy đạt hơn 4,1 triệu lượt hành khách, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019.

Thế nhưng, mức giảm hành khách của 3 loại hình vận tải trên vẫn chưa là gì so với đường sắt và đường hàng không! Bởi cùng trong thời gian này, vận tải hành khách bằng đường sắt đến và đi từ TPHCM chỉ hơn 130.000 người, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, sản lượng hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong tháng 2-2020 chỉ đạt hơn 2,8 triệu hành khách cả trong nước lẫn khách quốc tế, trong đó khách trong nước giảm 50% và khách quốc tế giảm 90% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài vấn đề sụt giảm hành khách, trong giai đoạn giãn cách đó, các đầu mối, đơn vị vận tải hành khách trên địa bàn thành phố còn gặp một số khó khăn khác. Chẳng hạn, do các đơn vị cung cấp không có đủ hàng và do khan hiếm trên thị trường nên các đầu mối, đơn vị vận tải đều gặp khó khăn trong việc mua và trang bị khẩu trang số lượng lớn, nước rửa tay sát khuẩn cung ứng cho hành khách.

Ngoài ra, do chưa có chế tài xử lý đối với các hành khách không đeo khẩu trang hoặc không tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch tại nơi công cộng và trên các phương tiện vận chuyển, nên các đầu mối, đơn vị vận tải chỉ có một cách giải quyết là buộc lòng miễn cưỡng từ chối phục vụ hành khách không hợp tác trong công tác phòng chống dịch.

Công an vào cuộc vụ tiếp viên xe buýt bị hành hung

Công an phường 5, quận Tân Bình (TPHCM) đã tiếp nhận vụ việc nữ tiếp viên xe buýt bị nam hành khách hành hung gây thương tích. Vụ việc xảy ra sáng ngày 4-8, trên xe buýt mang biển số 51B-304.48 do Hợp tác xã Vận tải xe buýt 19-5 khai thác, tuyến Bến xe An Sương - Cách Mạng Tháng Tám - Bến Thành, mã số tuyến 65. Theo đó, nam hành khách ngồi ở vị trí gần tài xế đã mở nhạc trên điện thoại di dộng với âm thanh quá lớn, làm phiền hành khách và hoạt động thông báo trạm trên xe buýt. Khi nữ tiếp viên phục vụ trên xe nhắc nhở, đề nghị giảm âm lượng vừa đủ nghe thì nam thanh niên không những không thực hiện, mà còn gây gổ, hành hung gây thương tích mắt nữ tiếp viên.

Công an phường 5 quận Tân Bình sau khi được tin báo, đã tiến hành các bước xác minh, điều tra và tìm nam hành khách gây rối trên. Vụ việc này một lần nữa gióng lên lời cảnh báo về vấn đề đảm bảo an ninh an toàn cho những nhân viên, tài xế trên các tuyến xe buýt thành phố.

HUY KHÁNH

Tin cùng chuyên mục