Chủ trì tọa đàm gồm các đồng chí: Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM; Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM; Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ TPHCM.
Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; PGS-TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.
Trong báo cáo đề dẫn tọa đàm, nhà báo Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM nhấn mạnh: “Báo chí, xuất bản đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của xã hội qua các thời kỳ, có tác động sâu sắc đến mỗi cá nhân cũng như cộng đồng xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Đây đều là những phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, đồng thời có mối liên hệ mật thiết với văn hóa, vừa là một bộ phận của văn hóa, vừa là phương tiện chuyển tải, phổ biến văn hóa tới công chúng”.
Tọa đàm nhận được 36 tham luận từ các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM |
Theo nhà báo Nguyễn Tấn Phong, tọa đàm là dịp để lãnh đạo thành phố tiếp tục trao đổi, lắng nghe các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, cán bộ tuyên giáo các cấp... đóng góp các giải pháp nhằm phát huy tích cực hơn nữa vai trò của báo chí, xuất bản đối với đời sống xã hội, nhất là tham gia quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Tọa đàm đã nhận được 36 tham luận của các nhà báo, văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà quản lý… từ các cơ quan báo chí, các hội thành viên của Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM, ban tuyên giáo quận - huyện ủy, các trường đại học… Hầu hết các tham luận là những ý kiến tâm huyết về vấn đề quảng bá các tác phẩm VHNT trên báo chí, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM.
PGS-TS Trần Luân Kim phát biểu tham luận tại tọa đàm |
Theo PGS-TS Trần Luân Kim, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TPHCM, báo chí, xuất bản gắn liền với hoạt động VHNT. Thành tựu hoặc yếu kém của bên này luôn ảnh hưởng tới bên kia.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Trần Luân Kim, thời gian qua, trong bối cảnh xã hội đang chuyển động mạnh mẽ, đời sống và tâm tư con người trải qua nhiều biến đổi lớn lao, nhưng thực tế hoạt động VHNT chưa đạt như mong muốn, chưa xuất hiện tác phẩm xuất sắc trực tiếp mổ xẻ, góp phần nêu gương hoặc chặn đứng các hiện tượng xuống cấp của đạo đức xã hội, tham nhũng tràn lan.
Với tham luận Văn học nghệ thuật trong diện mạo mới của thành phố, PGS-TS Trần Luân Kim đã đưa ra một số giải pháp để có những tác phẩm VHNT gắn với đời sống xã hội, trong đó, đáng chú ý là: cần định kỳ tổ chức các tọa đàm, hội thảo nghề nghiệp; thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên đề nhằm định hướng quan điểm và phương pháp sáng tác cụ thể; cải tiến nội dung cũng như tổ chức các chuyến về nguồn, đi thực tế, trại sáng tác theo hướng nhỏ gọn và hiệu quả; tăng cường các biện pháp quản lý mạng xã hội…
Bên cạnh đó, một số ý kiến phát biểu tại tọa đàm cũng đã góp thêm nhiều góc nhìn sinh động đối với các vấn đề có liên quan, đặc biệt là vấn đề quảng bá các tác phẩm VHNT và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên các không gian mạng xã hội hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Thị Liễu (Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình) chia sẻ về việc quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng |
Đồng chí Nguyễn Thị Liễu, Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình cho rằng, việc phát huy thế mạnh của mạng xã hội kết hợp chặt chẽ với VHNT để xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một trong những vấn đề cần được quan tâm đầu tư thực hiện. Tận dụng lợi thế của mạng xã hội, Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình đã mở chuyên mục “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên Fanpage “Tân Bình trong trái tim tôi”; đến nay, toàn quận có 79 chuyên mục trên 67 trang mạng xã hội, đăng tải 283 bài viết tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.
Phát biểu kết luận, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền cho rằng, tuy số tham luận và ý kiến phát biểu tại tọa đàm không nhiều nhưng có chất lượng, có chiều sâu. Trong đó, có nhiều ý kiến khá sâu sắc, có trách nhiệm, tâm huyết với vấn đề phát triển VHNT nói chung, việc quảng bá các tác phẩm VHNT trên báo chí và không gian mạng nói riêng, cũng như việc sử dụng các phương tiện truyền thông trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Thọ Truyền phát biểu kết luận tại tọa đàm |
“Ban Tuyên giáo Thành ủy trân trọng tiếp thu các ý kiến đề xuất, phản ánh, đóng góp để có những chỉ đạo, định hướng kịp thời đối với hoạt động báo chí - xuất bản, văn hóa - văn nghệ, cùng với việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhằm tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện để các hoạt động này ngày càng thực chất, có chiều sâu”, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh.